Người được CNN bầu chọn là “Anh hùng của năm 2012”

ANTĐ - Suốt 8 năm qua, Pushpa Basnet, 29 tuổi, tận tụy nuôi dưỡng hơn 140 đứa trẻ thiếu may mắn khi phải vào sống trong tù cùng với cha mẹ vướng vòng lao lý. Với nghĩa cử cao đẹp này, tối 2-12-2012 vừa qua, chị được vinh danh là Anh hùng của năm 2012 do hãng Thông tấn CNN (Mỹ) bầu chọn.

Một giải thưởng đặc biệt dành cho những người cống hiến tốt nhất cho xã hội.

Quyết định dũng cảm

Trong lúc gia đình đang điều hành công việc kinh doanh rất thành công, Banest bỏ qua lời can ngăn của mọi người quyết tâm theo học công tác xã hội tại một trường cao đẳng. Trong một phần của khóa học, nhóm của Banest tới thăm một nhà tù dành cho nữ phạm nhân. Lần ấy, khi kết thúc cuộc trò chuyện thân mật với một nữ phạm nhân trẻ - vào tù vì bị gã người tình ép bán ma túy thuê, Banest chực đứng lên đi về, thì bỗng một bé gái, chừng 3 tuổi túm lấy khăn choàng của cô. Bé gái ấy vừa dùng dằng chiếc khăn quàng vừa nở một nụ cười với Banest. Hành động bất chợt, có phần lạ lùng của cô bé trong hoàn cảnh ấy khiến Banest không khỏi ngạc nhiên. Cô cảm thấy như đứa trẻ đang cầu cứu một điều gì đó ở mình. Banest cười đáp lại và bế bé gái lên âu yếm. 

Trở về nhà, Banest kể với cha mẹ về những gì đã chứng kiến trong lần thực tập ở nhà tù. Họ nói với cô rằng đó là điều bình thường. Nhưng với Banest, cô không thể quên được những gì đã chứng kiến. Ánh mắt của bé gái đó luôn chập chờn xuất hiện trong đầu của Banest. Cô muốn làm việc gì đó thật ý nghĩa.

Nghĩ là làm, Basnet đưa ra một quyết định dũng cảm. Cô bắt đầu một chương trình chăm sóc ban ngày để đưa những đứa trẻ ra khỏi những bức tường của nhà tù. Banest đem ý tưởng này đến trình bày với giới chức trại giam, các nhân viên Chính phủ. Khi ấy không ai tin tưởng cô. Họ nghĩ đầu óc Basnet có vấn đề, nuôi ảo vọng lớn lao khi mới chỉ là một cô gái trẻ 21 tuổi. Tuy nhiên, Basnet vẫn không nản lòng. Cô đã nhận được sự ủng hộ về mặt vật chất từ những người bạn và thuê một căn hộ ở Kathmandu để làm trụ sở cho Trung tâm "Những chú bướm nhỏ".

Pushpa Basnet và những đứa trẻ được chị nuôi dạy

“Mẹ” Basnet tận tình chăm sóc đàn con

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với 55% dân sống dưới mức nghèo khổ, theo số liệu của UNICEF. Có rất ít đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi được Chính phủ nhận nuôi do sự thiếu hụt của các trung tâm phúc lợi xã hội ở Nepal, đặc biệt là khu vực phía Tây. Vì thế, khi những phạm nhân bị bắt, họ thường chọn cách mang theo con của mình đi tù hoặc bỏ rơi chúng trên các đường phố. Bộ phận quản lý trại giam Nepal ước tính có khoảng 80 đứa trẻ đang sống cùng cha/mẹ trong các nhà tù quốc gia.

Trước thực tế đó, tại mái ấm "Những chú bướm nhỏ" ở Thủ đô Kathmandu của Basnet, những đứa trẻ có thể được học hành, nuôi nấng, chăm sóc y tế và nhất là chúng có cơ hội sống một cuộc đời bình thường hơn. Ban đầu, Basnet tới trại giam xin nhận chăm sóc cho 5 đứa trẻ. Lịch đưa, đón, chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt ấy được Banest lên kế hoạch chi tiết, cụ thể. Mỗi buổi sáng, Basnet tới trại đón mấy trẻ tới trung tâm "Những chú bướm nhỏ", đến chiều lại đưa về. Mỗi ngày được tự do, được chăm sóc chu đáo, nô đùa cùng chúng bạn làm cho những đứa trẻ rất thích thú. Chúng rất nghe lời và yêu quý Banest.

Câu chuyện của "Những chú bướm nhỏ" do Basnet xây dựng thật sự thu hút sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là các nhà hảo tâm. Sau khi nhận được sự giúp đỡ của một vài thành viên khác, Basnet tiếp tục thành lập Nhà Bướm, nơi cô và những đứa trẻ của mình sống trong 5 năm qua. Mặc dù đến lúc này đã có thêm những thành viên khác chung tay giúp sức, nhưng Basnet vẫn tự tay làm mọi thứ.

“Chúng tôi nấu ăn, giặt giũ, đi chơi. Thật là tuyệt vời. Tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Những đứa trẻ đã cho tôi năng lượng kỳ diệu... Nụ cười của chúng là động lực thúc đẩy tôi”, Basnet hào hứng chia sẻ. Dần dà số lượng những đứa trẻ trong nhà giam đến Nhà Bướm của Basnet càng đông. Tất cả những đứa trẻ sống trong Nhà Bướm đều được sự đồng ý của cha mẹ chúng. Mỗi khi Basnet nghe tin về một đứa trẻ phải vào tù cùng cha mẹ, cô ngay lập tức tới đó, kể cả là một vùng hẻo lánh, để thuyết phục gia đình đưa chúng về chăm sóc. Rồi mỗi kỳ nghỉ, Basnet lại đưa bọn trẻ vào thăm cha mẹ chúng. Ngoài việc dặn dò các con ngoan ngoãn khi bên bố mẹ, Basnet còn chu đáo cung cấp thức ăn, quần áo và nước sạch trong thời gian chúng ở lại tù. 

Kum Maya Tamang, đang thụ án trong một nhà tù phụ nữ ở Kathmandu, có con được chăm sóc vô cùng cảm động trước tấm lòng và những nỗ lực của “mẹ” Basnet. Khi bị kết án vì buôn bán hàng giả hàng nhái, cô vô cùng dằn vặt, lo lắng không biết phải để những đứa con bé bỏng của mình cho ai. Bố chúng nghiện nặng. Gia đình nội - ngoại đều nghèo túng, neo người. Cuối cùng, Tamang đành mang theo chúng vào trại giam, cùng sống sau cánh cửa nhà tù. Khi nghe tin về chương trình của Basnet, Tamang đã để các con tới sống với cô. Tamang thật sự an tâm khi gửi các con cho Basnet. Tamng hứa sau 7 năm mạn hãn tù trở về, cô sẽ cố gắng làm lại cuộc đời, đoàn tụ với các con, và cũng rất muốn được trở thành một thành viên của Nhà Bướm.

Ở Nhà Bướm, những đứa trẻ này sẽ chăm sóc nhau theo tinh thần tương thân tương ái. Đứa lớn sẽ chăm sóc những đứa bé hơn. Ngoài thời gian học hành, ăn, ngủ, mỗi người sẽ đảm nhận một công việc vặt trong nhà tùy theo độ tuổi và sức khỏe. Không khí ở đây ngăn nắp, ấm áp giống như một đại gia đình mà trong đó Basnet được những đứa trẻ gọi là “Mamu”, trong tiếng Nepal có nghĩa là “Mẹ”.

Để có tiền chăm sóc cho bọn trẻ, năm 2009, Basnet đã khởi xướng chương trình dạy các tù nhân cách làm thủ công mỹ nghệ. Cách làm này không chỉ giúp họ có được một nghề trong tay khi mãn hạn tù mà còn có thể giúp họ cảm thấy có trách nhiệm với con cái của mình. Với ý nghĩa thiết thực của công việc này, Ban quản lý trại giam và hầu hết các tù nhân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia. Bên cạnh đó, những đứa trẻ lớn cũng được Basnet hướng dẫn làm thiệp để bán lấy tiền duy trì trung tâm. Trước đó, cô đã từng phải bán đồ trang sức và rút tiết kiệm của mình để nuôi nấng những đứa trẻ này.

Mối quan tâm lớn nhất của Basnet là cố gắng tìm cách để bọn trẻ có được một tương lai tươi sáng hơn.

Basnet sớm xác định đó chính là con đường học vấn. Mới đây, cô đã mở một tài khoản ngân hàng để phòng sau này bọn trẻ học lên cao, tốn chi phí nhiều hơn. Cô hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ đủ tiền để mua hoặc xây một căn nhà cho những đứa trẻ của mình.

“Đó là tất cả những gì tôi mong muốn và kỳ vọng. Tôi cảm thấy vui khi nhìn bọn trẻ hạnh phúc, cơm no áo ấm và được học hành tử tế. Điều đó cũng nhắc nhở tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì những đứa con, tôi sẵn lòng và không nản chí”.

Pushpa Basnet đã được CNN bầu chọn là Anh hùng của năm 2012

“Người hùng của năm 2012”

Với tấm lòng và công nuôi nấng các trẻ em để chúng không phải sống cùng với cha mẹ bị cầm tù, Pushpa Basnet, 29 tuổi, đã được vinh danh là Người hùng của năm 2012 của đài CNN. Đây là kết quả của một cuộc bỏ phiếu kéo dài 9 tuần lễ trên trang web cnn.com. Với danh hiệu này, chị nhận được 250.000 USD.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh 10 người trong danh sách người hùng của năm ở Los Angeles , Basnet nhấn mạnh: “Những đứa trẻ đó chẳng làm gì nên tội. Chúng bị rơi vào một tình huống mà chúng chẳng hiểu gì cả. Chúng tôi muốn làm việc với Chính phủ để đưa chúng ra khỏi nhà tù. Chúng xứng đáng có được một tương lai tốt đẹp hơn”.

Khi nhận giải thưởng Người hùng của năm 2012, Basnet đã gửi một thông điệp đến các trẻ em phải sống trong tù ở Nepal. Basnet nói: “Mẹ sẽ đưa các con ra khỏi nhà tù và các con sẽ đến chỗ của mẹ. Danh hiệu này dành cho những đứa trẻ của tôi và dành cho đất nước Nepal. Xin cảm ơn rất nhiều người đã bỏ phiếu cho tôi và đã tin vào ước mơ của tôi. Tôi nghĩ rằng sự công nhận này chứng tỏ tầm quan trọng của việc chăm sóc và nuôi dạy những đứa trẻ giúp chúng trở thành những công dân có tinh thần trách nhiệm và nhà lãnh đạo trong tương lai. Hy vọng tổ chức của tôi chẳng bao lâu nữa sẽ mở rộng hoạt động để có thể cưu mang thêm nhiều trẻ em vẫn còn phải sống phía sau bức tường nhà tù”.

Sau khi trở về bên mái ấm “Nhà Bướm”, chị Basnet hồ hởi nói với các con của mình: “Mẹ sẽ dùng một phần tiền thưởng 250.000 USD để mua quần áo mới và tổ chức cho các con đi vui chơi”. Nhìn ánh mắt vui sướng, chan chứa cảm xúc của những đứa trẻ, Basnet âu yếm cũng cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.