Người điệp báo thành Sơn

(ANTĐ) - “Tôi sẽ bằng cả tấm lòng chân thành của mình ghi lại những tâm sự của ông bà và một số bạn đồng nghiệp công an của ông để tỏ lòng tôn vinh, khâm phục và biết ơn những cống hiến thầm lặng nhưng thực sự vĩ đại của chiến sĩ tình báo, điệp báo Anh hùng của Tổ quốc ta” - Đại tá Đỗ Sâm đã nói như vậy khi ông viết cuốn sách về cuộc đời hoạt động điệp báo của cha mẹ vợ mình sau 20 năm âm thầm lặng lẽ thu thập tài liệu.

Người điệp báo thành Sơn

(ANTĐ) - “Tôi sẽ bằng cả tấm lòng chân thành của mình ghi lại những tâm sự của ông bà và một số bạn đồng nghiệp công an của ông để tỏ lòng tôn vinh, khâm phục và biết ơn những cống hiến thầm lặng nhưng thực sự vĩ đại của chiến sĩ tình báo, điệp báo Anh hùng của Tổ quốc ta” - Đại tá Đỗ Sâm đã nói như vậy khi ông viết cuốn sách về cuộc đời hoạt động điệp báo của cha mẹ vợ mình sau 20 năm âm thầm lặng lẽ thu thập tài liệu.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam, Báo ANTĐ xin được giới thiệu cùng bạn đọc cuộc đời cống hiến thầm lặng, bình dị vợ chồng người chiến sĩ điệp báo CAND Đào Thiện Thùy - Nguyễn Thị Đào.

Kỳ 1: Vợ chồng điệp báo F61

Vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thùy và Nguyễn Thị Đào thời kỳ hoạt động bí mật tại Sơn Tây
Vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thùy và Nguyễn Thị Đào thời kỳ hoạt động bí mật tại Sơn Tây

Tổ trưởng Nguyễn Công Bình

Một buổi chiều, chiến sĩ liên lạc của Ty Công an đến gặp đồng chí Đào Thiện Thùy:

- Báo cáo anh Thùy! Mời anh lên lán chỉ huy gặp Trưởng ty gấp.

Đào Thiện Thùy khoác chiếc áo choàng chống rét, nhanh chóng theo chân chiến sĩ liên lạc, lội theo con suối nhỏ chạy dọc theo ven Gò Sống đến chiếc lán nhỏ, nơi Trưởng ty Công an Sơn Tây làm việc.

Vỗ nhẹ vai Thùy, Trưởng ty Công an Nguyễn Đức Trường thân mật nói:

- Lãnh đạo Ty đã bàn kỹ, báo cáo Trung ương và quyết định cử đồng chí vào hoạt động trong lòng địch tại thị xã Sơn Tây. Tổ chức rất tin ở đồng chí và sẽ tạo mọi điều kiện để làm việc tốt nhất. Hôm nay ta tạm dừng ở đây, sớm mai đồng chí lên gặp tôi nói chuyện tiếp.

Sớm hôm sau, Đào Thiện Thùy lên lán chỉ huy.

Ngồi bên Trưởng ty là một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, có cặp mắt sáng, lanh lợi dưới chiếc trán cao thông minh trong bộ mặt vuông kiên nghị.

Nguyễn Đức Tường giới thiệu:

- Đây là anh Nguyễn Công Bình, Tổ trưởng Tổ Điệp báo thị xã Sơn Tây.

Còn đây là anh Đào Thiện Thùy, Điệp báo viên tương lai của Tổ Điệp báo Thành Sơn. Chúng tôi cũng đã báo cáo và được cấp trên đồng ý dùng chị Nguyễn Thị Đào, vợ anh Thùy làm liên lạc giữa anh Thùy với  mạng lưới điệp báo thị xã.

Anh Công Bình sẽ cử người đến giao nhiệm vụ cho chị Đào.

Sau mấy câu chuyện ngắn, Trưởng ty kết luận:

- Từ nay, cả anh Thùy và chị Đào sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của anh Công Bình. Tôi có việc phải đi công tác gấp. Anh Bình dẫn anh Thùy về lán trao đổi tiếp, đợi khi tôi về sẽ làm việc sau.

Suốt gần một tuần làm việc, Công Bình dần hiểu tỉ mỉ về bố mẹ, vợ con và họ hàng gia đình, về những quan hệ quen biết của Đào Thiện Thùy. Tiếp đó, anh đã trao đổi để người điệp báo tương lai nhận được rõ những đức tính cần thiết của một điệp báo viên, cho Thùy biết cụ thể về những tên chỉ huy cao cấp trong chính quyền địch ở Sơn Tây, từ tên Tư lệnh Pháp, tên Tỉnh trưởng đến một số tên sĩ quan phản gián, sĩ quan công an, quân đội Pháp và ngụy quyền Bảo Đại... 

Công Bình nhấn mạnh:

- Tư lệnh Sơn Tây là đại tá Kalévien, một người Pháp theo đạo Thiên chúa, sống trầm lặng và khá nghiêm khắc.

Tỉnh trưởng Hoàng Bình thẳng thắn, rất nóng tính…

Trưởng ty Công an (Ngụy) Nguyễn Văn Thức theo Quốc dân đảng, từ 1947 làm chỉ điểm cho Phòng nhì Pháp, từng là tổ trưởng tổ “do thám” huyện Quốc Oai, chuyên cử người bí mật đi điều tra tình hình hoạt động của ta. Tính Thức thâm hiểm, ít nói.

Trưởng Phòng nhì của Pháp là Trung úy Forkelle khá thông minh, sắc sảo.

Cũng trong thời gian này, Công Bình cử trinh sát viên Bảo Ninh đến gặp chị Đào ở nhà sau giờ đóng cửa hàng, giao nhiệm vụ làm liên lạc viên của mạng điệp báo cho chị. Cả anh Thùy cùng dự nghe và trao đổi. Anh chị sung sướng vì từ nay, ngoài tình nghĩa vợ chồng, họ còn có thêm tình đồng chí thiêng liêng cao cả.

Và rồi, một lần nữa trong chiếc lán chỉ huy Công an Sơn Tây dưới chân núi Ba Vì, bộ ba Nguyễn Đức Tường, Nguyễn Công Bình, Đào Thiện Thùy lại gặp nhau. Trưởng ty nhìn các đồng sự của mình một lượt rồi trịnh trọng giao nhiệm vụ:

- Từ hôm nay đồng chí Đào Thiện Thùy sẽ chính thức nhận nhiệm vụ vào hoạt động trong lòng địch ở thị xã Sơn Tây, mang mật danh “Chị Nguyên”, mã số F61. Chị Đào, vợ đồng chí Thùy sẽ nhận nhiệm vụ làm giao liên cho F61 và mạng lưới điệp báo thị xã Sơn Tây do đồng chí Nguyễn Công Bình trực tiếp chỉ huy. Mật danh của chung ngoài vùng kháng chiến là “Anh Cả”. Từng thời gian sẽ có chỉ thị cụ thể sau.

Vào vùng hậu địch

Ba Vì. Đêm mồng 2 Tết  Kỷ Sửu (1949). Trời đầy sao nhưng vẫn tối đen. Không mưa, nhưng sương mù nặng hạt. Thêm vào đó là gió. Cái gió miền núi Ba Vì thổi mạnh, gây rét đậm thấu đến tận xương tủy. Không một bóng người ngoài đường. Ai cũng muốn được yên giấc để sớm mai vui tiếp mấy ngày Tết.

Trưởng ty Công an Sơn Tây đã khéo biết chọn thời cơ này để bố trí đưa gia đình điệp báo viên Đào Thiện Thùy xuống núi về thị xã. Đoàn người lặng lẽ đi trong đêm tối, gió rét. Tuy cùng chung mục đích “bảo đảm cho gia đình điệp viên Đào Thiện Thùy vào hậu địch an toàn” nhưng mỗi người trong đoàn đều có những suy tư trăn trở riêng.

Trinh sát viên Bảo Ninh đi trước. Với dao găm sắc bén giấu kín bên sườn, anh nhanh nhẹn lúc chạy nhanh hẳn lên phía trước quan sát, lúc trở lại sau báo tin rồi dẫn vợ chồng Thùy đi tiếp. Tuy đã nhiều lần đi thăm dò đoạn đường này từ tuần trước nhưng anh vẫn luôn đề phòng việc gặp bọn tề, lính dõng.

Thùy bám sát Bảo Ninh, đầu óc tập trung vào những câu sẽ nói với Cha xứ Pierchon trong buổi lễ xưng tội sớm mai. Chị Đào quang gánh theo chồng, mỗi bên thúng nằm gọn một cô con gái: cháu Xuân và cháu Thu. Người phụ nữ nhỏ nhắn mảnh mai này chỉ biết chăm lo cho chồng con. Chị nghĩ rằng đó là cái đức mà Chúa Trời ban cho những con chiên gái ngoan đạo. Thương con nhưng Đào vẫn lo Xuân hoặc Thu tỉnh giấc quấy khóc làm lộ bí mật cuộc trở về mạo hiểm này…

Có lẽ cả Bảo Ninh và vợ chồng Thùy - Đào lúc này chẳng ai nghĩ đến Tết.

Theo kế hoạch, đến Vị Thủy, Bảo Ninh phải quay lại cơ sở ở chân Ba Vì.

Khi chia tay, Đào Thiện Thủy ôm chặt bạn Bảo Ninh, xúc động:

- Nhờ anh nói với các đồng chí: Hãy tin lòng trung thành của  F61.

Vợ chồng Thùy dừng chân nghỉ tạm bên một gốc cây đầu làng Vị Thủy.

Lúc này chị Đào mới kịp sửa lại mái tóc ướt đẫm sương đêm. Chị đã bàn với chồng về những ngày về sống ở Sơn Lộc.

Đây chính là quê gốc của chị Đào. Cụ lang Minh, bố chị hiện đã ra ở thị xã Sơn Tây. Sống tại quê chỉ còn anh lớn, ông Hai Chí nhà ngay gần nhà thờ Sơn Lộc.

Về Sơn Lộc lần này Thùy bàn với Đào sẽ ở nhờ tạm nhà ông Hai Chí, gần nhà thờ tiện đi lễ. Lần bước trên con đường nhỏ ven đồi sắn, vợ chồng Thùy về xóm Nhà Thờ ở Sơn Lộc, đến ngay nhà ông Hai Chí.

Trời chưa sáng hẳn nhưng vốn cần cù yêu lao động, ông bà Hai Chí và vợ chồng anh chị cả Chính, anh Nguyên đã dậy, ngồi nấu cám lợn, sưởi ấm dưới bếp.

Thấy tiếng động ngoài cổng, cả nhà đứng dậy.

Đào vào trước, theo sau là Thùy gánh đôi quang gánh.

Anh cả Chính chạy ra sân reo vui:

- Cô Đào, chú Thùy… và cả các cháu nữa. Lần này cô chú về đây ăn Tết rồi ở lại hẳn với chúng cháu nhé. Hay quá! Mấy ngày Tết cả nhà vẫn luôn nhắc đến cô chú.  

Thùy, Đào và hai cháu Xuân, Thu theo cả nhà ông Hai Chí vào ngồi bên bếp lửa hồng. Chiếc mâm gỗ đủ vị bánh chưng, dưa hành, giò lụa, xôi đỗ được chị cả Chính bưng ra mừng cuộc gặp mặt ngày Tết của cả gia đình. Kể từ cái Tết đó, vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thùy và Nguyễn Thị Đào đã sống trong vùng địch hậu bắt đầu thực thi nhiệm vụ bí mật hết sức khó khăn.

(Còn nữa)

Đỗ Sâm