Người dân Iran lạc quan trước sự trừng phạt của Mỹ

ANTD.VN - Sự đối đầu giữa Washington và Tehran đã làm đảo lộn cuộc sống của người Iran. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt Iran, đồng thời để ngỏ khả năng sử dụng giải pháp quân sự đối với Tehran, dân thường Iran luôn là những người chịu thiệt thòi nhất.

Người dân Iran lạc quan trước sự trừng phạt của Mỹ ảnh 1Giá các mặt hàng nhập khẩu không ngừng tăng trong khi lạm phát chóng mặt

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố kế hoạch “tăng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với đất nước Iran” sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở lọc dầu của Arab Saudi. Phản ứng lại, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc Mỹ “cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường trong một hành động khủng bố kinh tế”.

Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương “gây áp lực tối đa” với Iran, lạm phát của Iran đã vượt quá 40% và GDP dự kiến sẽ giảm còn 6% trong năm nay. Xuất khẩu dầu của nước này đã giảm mạnh từ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày xuống còn dưới 200.000 thùng/ngày kể từ khi lệnh trừng phạt được đưa ra vào năm ngoái. Đồng rial của Iran mất giá mạnh ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa nhập khẩu và khiến cho ngân sách của các gia đình Iran thêm căng thẳng. Người ta ước tính rằng, hơn 60% người Iran hiện đang sống dưới mức nghèo khổ. 

Nhưng từ trước đó, các gia đình ở Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt chưa từng có của Mỹ bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái, nhắm vào các ngành công nghiệp chính của Iran bao gồm dầu mỏ, kim loại, ngân hàng…. Đồng tiền mất giá, lạm phát cao dẫn đến thu nhập giảm, trong khi giá nhà đất tăng hơn gấp đôi khiến người thuê nhà hay mua nhà đều gặp khó.

Các cặp vợ chồng trung lưu như Maryam Alidadi và chồng cô, một thợ cơ khí, cho biết họ từng thuê một căn hộ rộng rãi ở trung tâm Tehran và thỉnh thoảng ra nhà hàng hay du lịch nước ngoài. Giờ thì dù cắt giảm mạnh chi tiêu, họ không thể đủ tiền làm những việc đó. Vợ chồng Alidadi đã phải bán xe, chuyển đến một khu phố có giá thuê rẻ hơn. “Đây là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay”, bà Shahla Allahverdi, mẹ của Alidadi, năm nay 58 tuổi nói.

Một giáo sư Đại học Tehran, người muốn giấu tên cho biết, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chính thức là khoảng 15%, nhưng thực tế, con số này gần với 35%, ngay cả những người có học vấn đầy đủ. “Hầu hết các nhà máy đã ngừng hoạt động hoặc giảm bớt biên chế”, ông nói.

Trong khi Mỹ khẳng định rằng thuốc men và hàng hóa nhân đạo không nằm trong lệnh trừng phạt, nhưng hạn chế về thương mại đã khiến nhiều ngân hàng và công ty trên thế giới ngần ngại hợp tác với Iran. Do đó, giá thuốc nhập khẩu đã tăng vọt và người Iran cũng không đủ tiền mua thuốc nội.

Không mất đi tinh thần lạc quan

Nhiều người Iran lo ngại rằng căng thẳng với Mỹ có thể dẫn đến sự nắm quyền của một nhà lãnh đạo cấp tiến hơn trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Những người có quan điểm cực đoan hơn cảm thấy Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani hơi yếu đuối trong đối phó với nước Mỹ. Họ tin rằng khi Mỹ hành động một thì họ phải đáp trả gấp 10 lần.

Nhà sản xuất phim tài liệu Iran Mohammadreza Shams, người đã chuyển đến Australia 2 năm trước, cho biết người dân ở Iran cũng bị chia rẽ về khả năng xảy ra xung đột hoàn toàn với Mỹ. “Một số người hy vọng chiến tranh không xảy ra nhưng họ không có giải pháp nào. Những người khác lại nghĩ rằng chiến tranh là giải pháp duy nhất. Nhiều người hy vọng rằng nếu chiến tranh xảy ra, nó có thể dẫn đến một sự thay đổi trong chính phủ”, ông Shams nói.

Về phần Chính phủ Iran, một giáo sư người Iran giấu tên cho biết: “Có vẻ như họ đã sẵn sàng chiến đấu chống lại các lệnh trừng phạt cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của Trump”. Với thành viên trong đảng cầm quyền và quân đội, họ tin rằng cuộc chiến với Mỹ sẽ tạo nên tinh thần đoàn kết của người dân. “Mặc dù nhiều thường dân phản đối chính phủ hiện tại, nhưng tình yêu nước ở Iran rất mạnh mẽ”, ông Shams nói thêm, ví dụ như trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, tinh thần dân tộc đã thống nhất toàn dân Iran bất chấp sự thất vọng với lãnh đạo nước này. “Tôi nghĩ ngay cả những trí thức ở Iran cũng thấy vui khi Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ - tất cả bạn bè của tôi đều rất vui vì nó thể hiện sức mạnh của Iran và khả năng trả lời các hành động của Mỹ”.

Mặc dù vậy, theo nhà sản xuất phim Mohammadreza Shams, ở Iran, người dân luôn giữ tinh thần lạc quan trước mọi việc. “Người ta cố gắng quên đi tình hình bằng cách tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ, vì vậy bạn thường nghe thấy những câu chuyện hài hước về mọi thứ, từ Lãnh tụ tối cao đến Tổng thống Mỹ Trump”.