Người dân Afghanistan xếp hàng xuyên đêm chờ xin visa y tế ở Pakistan

ANTD.VN - Bên ngoài Đại sứ quán Pakistan, cách một hàng rào dây thép gai, dưới tiết trời mưa ẩm ướt, hàng trăm người Afghanistan mệt mỏi, nhẫn nại chờ đợi đến lượt để được cấp visa đến Pakistan điều trị y tế. 

Người dân Afghanistan xếp hàng xuyên đêm chờ xin visa y tế ở Pakistan ảnh 1Ông Abdul Ajan (70 tuổi) phải chờ đợi trong 3 ngày mới đến lượt làm visa đến Pakistan khám bệnh

“Ngày mai, điều tôi mong chờ sẽ đến”

Ông Abdul Ajan là người đứng đầu hàng chờ đợi Đại sứ quán Pakistan mở cửa. Chen chân trong khoảng không gian chật hẹp với rác và những mẩu bánh mì, sộc lên mùi nước tiểu, người đàn ông 70 tuổi, ốm yếu, tay bám vào cánh cổng đóng kín, những ngón tay run rẩy trông rất khổ sở. “Tôi đã phải di chuyển trong vài giờ bằng xe buýt từ Kapiza đến đây và chờ đợi trong 3 ngày. Ngày mai, điều tôi mong chờ sẽ đến”, ông Abdul Ajan chia sẻ và cho biết thêm bản thân bị ốm đã lâu, thị lực 2 mắt giảm, việc ăn uống khó khăn vì những cơn đau kéo dài.

Tuy nhiên, các bác sĩ không thể chẩn đoán bệnh. Đó là lý do tại sao ông muốn đến Pakistan. Ở phía xa, hàng trăm người đàn ông chuẩn bị chăn, chiếu cho một đêm lạnh lẽo ngủ ngoài trời. Thường những người đàn ông xếp hàng lấy chỗ cho mình hoặc xếp hàng cho những người phụ nữ khác trong gia đình. 

“Năm 2018, Đại sứ quán và lãnh sự quán Pakistan tại Afghanistan đã cấp tổng cộng 61.731 visa y tế, trung bình có khoảng 5.000 đơn đề nghị cấp visa và khoảng 1.400 visa được cấp hàng ngày. Người dân đến Pakistan khám bệnh đa dạng, trong đó nhiều nhất là các bệnh về thận và tim. Có khoảng 100.000 người Afghanistan điều trị y tế ở Pakistan mỗi năm. Tuy nhiên, rất khó để đưa ra con số chính xác vì có thể, nhiều người đến Pakistan để kinh doanh, kết hợp khám chữa bệnh”. 

Zahid Nasrullah Khan (Đại sứ Pakistan tại Afghanistan) 

Shah Faizal (25 tuổi) nói rằng, anh giữ chỗ cho hai vợ chồng. Chấn thương tủy sống khiến anh phải ngồi xe lăn và anh đã được những người đàn ông khác hỗ trợ trong quá trình xếp hàng chờ xin visa. “Họ giúp tôi nằm xuống sàn để ngủ vào ban đêm. Gần như mọi người không thể ngủ được. Chúng tôi nghe thấy tiếng rên rỉ, đau đớn của những bệnh nhân nặng”, Shah Faizal nói. Giống như Shah Faizal, nhiều người đến từ các vùng nông thôn không biết chữ và phải nhờ những người xung quanh điền giúp thông tin vào đơn xin visa. 

“Hàng xóm, một người bạn tốt của mẹ tôi đã chết vì bệnh suy thận biến chứng, không thể chờ để lấy visa đến Pakistan chữa bệnh”, Mahamt Said, sống ở Nangarhar, gần biên giới Pakistan nói phóng viên. Mahamt Said vừa mới phẫu thuật thận và trở về từ Pakistan. Trông anh già hơn nhiều so với tuổi 26 tuổi của mình. “Làm hộ chiếu mất khoản chí phí 99 Euro. Xin thị thực miễn phí nhưng thời gian nộp đơn và chờ đợi dài. Tôi thực hiện phẫu thuật ở Peshawar, tiêu tốn 260 Euro, không bao gồm chi phí kiểm tra và đi lại sau đó”, Mahamt Said nói.

Người dân Afghanistan xếp hàng xuyên đêm chờ xin visa y tế ở Pakistan ảnh 2

Hàng trăm người Afghanistan phải ngủ trên nền đất trong nhiều ngày chờ đến lượt làm  visa tới Pakistan

100.000 người Afghanistan điều trị y tế ở Pakistan mỗi năm

Hệ thống y tế ở Afghanistan đang trong tình trạng quá tải và thiếu thốn về mọi mặt. Mỗi năm, Chính phủ chi 3% ngân sách cho lĩnh vực này, tương đương khoảng 5 USD/người dân. “Vấn đề chính của chúng tôi là an ninh. Hầu hết ngân sách quốc gia được chi cho việc đó”, bác sĩ Wahid Mayar, phát ngôn viên của Bộ Y tế công cộng cho biết. Điều đó có nghĩa là, 70% chi phí của tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Afghanistan được thanh toán từ túi tiền của người dân. 

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, hệ thống y tế của Afghanistan đang dần được cải thiện với 3.135 cơ sở mở cửa vào năm ngoái, đáp ứng được nhu cầu của 87% dân số. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chất lượng dịch vụ chưa cao và thiếu trang thiết bị hiện đại. Giống như ông Abdul Ajan, nhiều người dân Afghanistan không được chẩn đoán bệnh chính xác, lo lắng về sức khỏe của mình nên tìm cách đến Pakistan khám bệnh. 

Ramin Faramarz, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Kabul cho biết, điện cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. “Khi bị cắt điện, chúng ta không thể vận hành máy móc, trong phẫu thuật, đó là điều vô cùng nguy hiểm”, bác sĩ Ramin Faramarz nói.