Ngòi nổ giữa châu Âu

(ANTĐ) - Kosovo đang đứng trước nguy cơ tái phát thành một điểm nóng ngay trong lòng châu Âu khi mà cộng đồng Albani khăng khăng đòi độc lập nhưng người Serbia lại phản đối quyết liệt.

Ngòi nổ giữa châu Âu

(ANTĐ) - Kosovo đang đứng trước nguy cơ tái phát thành một điểm nóng ngay trong lòng châu Âu khi mà cộng đồng Albani khăng khăng đòi độc lập nhưng người Serbia lại phản đối quyết liệt.

Cuộc đàm phán mới nhất về quy chế cho tỉnh Kosovo giữa cộng đồng sắc tộc Albani và chính quyền Serbia tại trụ sở ủy ban châu Âu (EC) ngày 20-11 đã sớm thất bại khi cả hai  cùng khăng khăng giữ lập trường riêng.

Bất chấp sự hiện diện của ba “ông lớn” trung gian Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU), người Albani ở Kosovo vẫn nhất quyết đòi độc lập hoàn toàn trong khi Serbia chỉ đồng ý về một vùng đất có quyền tự trị rộng rãi. Thất bại này đã đẩy cuộc đối đầu về quy chế tương lai của Kosovo leo lên một nấc thang căng thẳng mới.

Phong trào đòi ly khai của cộng đồng người Albani được đẩy lên tới đỉnh điểm khi đảng Dân chủ Kosovo đối lập (PDK) của ông Hashim Thaci giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 17-11 vừa qua.

Lực lượng KFOR đối mặt với những nguy cơ sau bầu cử ở Kosovo
Lực lượng KFOR đối mặt với những nguy cơ sau bầu cử ở Kosovo

Ngay khi thắng cử, ông Thaci đã gây sốc cả châu Âu bằng quan điểm “xanh rờn”: Kosovo sẽ “đơn phương tuyên bố độc lập” nếu “bộ ba” Mỹ, Nga và EU không đệ trình lên LHQ một giải pháp độc lập cho Kosovo.

Serbia lại luôn phản đối bất cứ một giải pháp độc lập hoàn toàn cho Kosovo. Belgrade tuyên bố sẵn sàng dành cho Pristina quy chế “tự quản tối đa” nhưng không chấp nhận tỉnh tự trị này tuyên bố độc lập và giành ghế tại LHQ.

Chính quyền Serbia đề xuất “mô hình Hongkong”, trao quyền tự trị gần như hoàn toàn cho Kosovo nhưng quyền kiểm soát về quốc phòng và ngoại giao vẫn phải nằm trong tay Belgrade.

Lập trường đối nghịch của Belgrade và Pristina khiến cho triển vọng đạt được thỏa thuận về quy chế tương lai của Kosovo trước 10-12-2007 trở nên mờ mịt. Đây là thời điểm nhóm “bộ ba” phải trình lên Hội đồng Bảo an LHQ giải pháp cho vấn đề Kosovo.

Chẳng những Belgrade và Pristina đối đầu nhau mà ngay nội bộ nhóm “bộ ba” cũng đang bất đồng sâu sắc. Trong khi Mỹ và EU ủng hộ trao cho Kosovo quy chế độc lập thì Nga lại phản đối gay gắt, cho rằng điều đó là “không thể chấp nhận được”.

Muốn Kosovo độc lập song Mỹ và EU không thể không thuyết phục Serbia và Nga chấp thuận. Nếu đơn phương tuyên bố độc lập, Kosovo có thể biến thành một ngòi nổ rất nguy hiểm.

Một quyết định đơn phương như vậy của  Pristina trong sự dung túng của Mỹ và EU có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, châm ngòi cho “phản ứng dây chuyền đòi độc lập” không chỉ ở khu vực Balkan mà nhiều nơi khác trên khắp châu Âu. Nhiều phong trào đòi độc lập hiện đang âm ỉ cháy trong lòng nhiều quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Ukraine, Moldova...

Hệ quả tai hại của những phong trào này có thể là những cuộc xung đột đẫm máu như quá trình tan rã của Liên bang Nam Tư trước đây. Trong đó đẫm máu nhất chính là cuộc chiến đòi độc lập của cộng đồng sắc tộc Albani tại Kosovo.

Dù cuộc thương lượng về quy chế tương lai của Kosovo được nối lại vào ngày 26-11 tới ở Baden (Áo) song hầu như không có ai tin rằng các bên liên quan có thể đi tới thỏa thuận bởi lập trường quá khác biệt. Điều đó làm dư luận lo ngại về một ngòi nổ mới ở châu Âu.

Hoàng Tuấn