“Ngòi nổ” giá nhiên liệu

(ANTĐ) - Hàng trăm sinh viên và ngư dân đã lập “chiến lũy” trên đường cao tốc và xung đột dữ dội với cảnh sát để phản đối việc chính phủ tăng giá nhiên liệu, Tổng thống Susilo phải hoãn chuyến công du châu Âu để đối phó với tình hình phức tạp trong nước. Một lần nữa, giá nhiên liệu lại trở thành “ngòi nổ” trên chính trường Indonesia.

“Ngòi nổ” giá nhiên liệu

(ANTĐ) - Hàng trăm sinh viên và ngư dân đã lập “chiến lũy” trên đường cao tốc và xung đột dữ dội với cảnh sát để phản đối việc chính phủ tăng giá nhiên liệu, Tổng thống Susilo phải hoãn chuyến công du châu Âu để đối phó với tình hình phức tạp trong nước. Một lần nữa, giá nhiên liệu lại trở thành “ngòi nổ” trên chính trường Indonesia.

Theo quyết định có hiệu lực từ ngày 24-5, giá xăng ở Indonesia đã tăng 33,33%, dầu diesel tăng 27,9% và dầu hỏa tăng 25%. Phải nói rằng đây là quyết định khó khăn của Chính phủ nước này.

Vì giá dầu thô vượt xa so với mức dự báo 100 USD/thùng, trợ cấp xăng dầu của Chính phủ Indonesia đã chiếm tới 12% tổng chi tiêu ngân sách của Chính phủ. Nếu không bỏ trợ giá, chẳng những không kìm được lạm phát mà nguy cơ rơi vào khủng hoảng kinh tế như hồi năm 1997 sẽ trở thành hiện thực.

Sau vụ nổi loạn của các lái xe ở London, Thủ tướng Anh G. Brown cảnh báo rằng, thế giới đang đối mặt với “cơn sốc” mang tên dầu mỏ và sẽ không dễ tìm ra lời giải cho sự leo thang của giá dầu nếu không có hành động chung toàn cầu.

Cuối năm nay, Indonesia sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vì sản lượng khai thác sụt giảm khiến Indonesia phải nhập khẩu dầu mỏ. Bộ trưởng Năng lượng P. Yusgiantoro hôm qua đã tuyên bố như vậy với phóng viên nước ngoài tại Jakarta. 

Hàng trăm ngư dân Tây Ban Nha đang tiến hành cuộc đình công kéo dài 3 ngày ở Barcelona để phản đối giá nhiên liệu tăng cao. Cuộc đình công này là hiệu ứng từ lời kêu gọi của các đồng nghiệp Pháp đang phong tỏa các cảng của Pháp trong tuần này. 

Có điều giá nhiên liệu là vấn đề hết sức nhạy cảm ở “đất nước vạn đảo”, nơi có nhiều người có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Đã bao năm nay, Indonesia duy trì giá nhiên liệu ở mức thấp thuộc loại nhất thế giới.

Theo báo chí thế giới, rất ít chính phủ dành một phần lớn ngân sách nhà nước để trợ giá nhiên liệu như ở Indonesia.

Chính vì thế mà hàng triệu người dân nước này, những người đang lo lắng giá các mặt hàng sẽ leo thang vùn vụt khi nhiên liệu tăng giá, đã đổ xuống đường biểu tình gây sức ép với Chính phủ.

Trong cuộc tranh cãi này, Chính phủ Indonesia phải tự trách mình trước. Đất nước này vốn rất giàu tài nguyên, nhất là về trữ lượng dầu lửa và khí đốt. Indonesia là thành viên của Tổ chức các Quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu khí đốt.

Tuy nhiên những năm gần đây, do giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng khai thác và sản xuất nên sản lượng dầu thô của Indonesia giảm, hiện chỉ ở mức 1 triệu thùng/ngày, so với mức khoảng 1,5 triệu thùng/ngày giữa những năm 90 của thế kỷ trước, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Đã thế, chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học thay thế dầu mỏ lại không diễn ra như mong đợi. Được coi là quốc gia hàng đầu trong khu vực về sản xuất và có tiềm năng đứng đầu thế giới về sản lượng dầu cọ để sản xuất nhiên liệu sinh học, Indonesia đã đầu tư 33 triệu USD xây dựng bốn nhà máy sản xuất diesel sinh học ở Kalimantan và Sumatra.

Mục tiêu của Indonesia là giảm một nửa nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vào năm 2025, từ mức 60% hiện nay xuống còn 30%. Kế hoạch thì đầy tham vọng nhưng tiến độ lại diễn ra rất chậm bởi không được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Những yếu kém đó đã dẫn đến nghịch lý là Indonesia xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu xăng để tiêu dùng, buộc chính phủ phải trợ giá xăng dầu cho người dân.

Trước diễn biến căng thẳng trong xã hội vì giá nhiên liệu tăng, Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ dùng tiền ngân sách tiết kiệm được do không phải bù giá nhiên liệu để đầu tư cải thiện mức sống cho người nghèo.

Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện bù tiền tăng giá nhiên liệu kéo dài 18 tháng, bắt đầu từ tháng 6 tới, cho khoảng 19,1 triệu hộ nghèo. Vì số người giàu sử dụng năng lượng và các loại hàng hóa phụ thuộc vào năng lượng nhiều hơn so với số người nghèo nên cách làm đó sẽ giúp Chính phủ tập trung được sự ưu đãi cho người nghèo.

Nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế nhằm “hạ nhiệt” bớt những cái đầu nóng của người biểu tình, nguy cơ khủng hoảng xã hội vì giá nhiên liệu vẫn là thách thức lớn với Indonesia.

 Hoàng Sơn