Ngôi nhà an toàn dành cho trẻ từng tham gia đánh bom tự sát ở Indonesia

ANTD.VN - Ở Indonesia, có những đứa trẻ từ lúc 7 tuổi đã bị tẩy não và cực đoan hóa để trở thành những chiến binh đánh bom tự sát. Một trung tâm bí mật ở Thủ đô Jakarta đang giúp những đứa trẻ này tái hòa nhập cộng đồng và phát triển tâm lý như những người bình thường.

Đó là một trung tâm dành cho số trẻ em được thu thập về từ sau loạt vụ đánh bom ở Surabaya năm 2018. Tháng 5-2018, cô bé 8 tuổi trong chuyến đi cùng bố mẹ mình thực hiện vụ đánh bom trạm kiểm soát bên ngoài trụ sở cảnh sát thành phố Surabaya là người duy nhất sống sót sau vụ việc.

Chỉ 1 ngày trước đó, một gia đình khác bao gồm các bé gái 9 và 12 tuổi đi theo bố mẹ mang theo thuốc nổ quấn quanh người tấn công 3 nhà thờ. Trong khi, gia đình thứ ba cũng định lên kế hoạch tấn công khủng bố kéo theo 4 đứa con từ 10 đến 17 tuổi đã bị cảnh sát kịp thời ngăn chặn tại nhà.

Ngôi nhà an toàn dành cho trẻ từng tham gia đánh bom tự sát ở Indonesia ảnh 1Những đứa trẻ theo cha mẹ đánh bom tự sát đang được nuôi dưỡng tại một trung tâm bí mật ở Jakarta

Những đứa trẻ ưa bạo lực

Amirah (tên nhân vật đã thay đổi), cùng với những đứa trẻ trong các trường hợp nói trên đang được điều trị tại một ngôi nhà an toàn ở Jakarta. Ở đó, chúng được các nhà tâm lý học như cô Sustri Saragih chăm sóc. Nữ chuyên gia này thường hỗ trợ con những kẻ đánh bom tự sát hoặc trẻ vị thành niên trực tiếp tham gia vào âm mưu khủng bố.

 “Các em đã tiếp xúc rất nhiều với chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ở đây chúng tôi có đồ chơi là quân lính, nhà cửa và động vật. Nhưng bọn trẻ chỉ chọn binh lính để chơi cùng. Mỗi lần chơi là trò chiến trận, rồi đâm, giết nhau”, cô Sustri nhớ lại về thời kỳ đầu tiên khi những đứa trẻ ở thành phố Surabaya đến đây.

Với việc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại ở Iraq, Syria và tổ chức của chúng tan vỡ, thế giới hiện đang chứng kiến sự gia tăng của một mối đe dọa an ninh khác, đó là các phần tử độc lập hơn trong thực hiện các hành vi khủng bố.

Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Malaysia Ayob Khan Mydin Pitchay cho rằng có cả những đứa trẻ 13 tuổi đã bị bắt vì liên quan đến các cuộc tấn công hưởng ứng tư tưởng thánh chiến. “Nếu nhìn vào tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah khét tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong quá khứ, nhiều thành viên ở độ tuổi 20, 30 hay 40. Nhưng với IS, độ tuổi ngày càng trẻ hơn. Đó là những gì khiến chúng tôi lo lắng”, quan chức này nói.

Phương tiện truyền thông xã hội là một cách thức quan trọng khiến cho lớp thanh thiếu niên ngày nay dễ bị tư tưởng thánh chiến tác động. Nhưng cũng phải nói rằng, các bậc cha mẹ ủng hộ IS phần nào định hình thế giới quan của con cái họ. Điều gì dẫn đến sự cực đoan hóa này? Ngôi nhà an toàn của trẻ con gia đình khủng bố ở Indonesia hy vọng sẽ làm sáng tỏ điều đó.

Tái hòa nhập xã hội 

Ở đó, những đứa trẻ như Amirah trải qua một chương trình giáo dưỡng. Nhân viên xã hội Maria Josefin nói rằng, những đứa trẻ này phải được trợ giúp để có thể tham gia các hoạt động xã hội trở lại. Và vì quyền riêng tư của trẻ em được bảo vệ, các em sẽ tránh việc tiếp xúc với những người hoặc ủng hộ, hoặc kỳ thị IS.

Mỗi đứa trẻ ở đây được một nhân viên xã hội kèm cặp và tư vấn riêng. Hàng ngày, bọn trẻ lên lớp, đi cầu nguyện ở nhà thờ và chơi đùa. Cô Sustri nói rằng, mục tiêu của trung tâm không chỉ là thay đổi hệ tư tưởng của đám trẻ mà còn giúp chúng nhận ra rằng thế giới này còn nhiều thứ khác đáng tin hơn, đó là tình yêu và thiện chí. “Việc suy nghĩ theo chiều hướng tích cực khác có thể giúp các em từ bỏ hệ tư tưởng bạo lực đó”, cô nói thêm.

Một trong những điều thay đổi dễ nhận thấy là sau một thời gian, bọn trẻ không còn chọn lính đồ chơi nữa mà đến một ngày chúng thích thú đồ chơi hoặc chơi nấu ăn. “Chơi như vậy là cách các em thể hiện cảm giác mất mát và cô đơn. Lúc đó, chúng tôi tới ôm chặt chúng thể hiện rằng, các em không đơn độc vì đã có chúng tôi ở đây”, chuyên gia tâm lý Sustri Saragih nói.

Một năm sau khi lũ trẻ vào nơi tạm trú, nhà chức trách tin rằng chúng đã sẵn sàng trở về quê hương và tái hòa nhập với xã hội. Nhưng điều kiện tiên quyết là bọn trẻ phải có một mái ấm chăm lo cho mình và các trường học, cộng đồng địa phương sẵn sàng chấp nhận chúng.

“Các em đã tiếp xúc rất nhiều với chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ở đây chúng tôi có đồ chơi là quân lính, nhà cửa và động vật. Nhưng bọn trẻ chỉ chọn binh lính để chơi cùng. Mỗi lần chơi là trò chiến trận, rồi đâm, giết nhau. Mục tiêu của trung tâm không chỉ là để thay đổi hệ tư tưởng của đám trẻ mà còn giúp chúng nhận ra rằng thế giới này còn nhiều thứ khác đáng tin hơn, đó là tình yêu và thiện chí. Sau một thời gian, bọn trẻ không còn chọn lính đồ chơi nữa mà đến một ngày chúng thích thú đồ chơi hoặc chơi nấu ăn…”

Sustri Saragih (Nhà tâm lý chuyên chăm sóc trẻ từng tham gia các âm mưu khủng bố)