Ngôi đền nổi tiếng biết “giữ xác” trôi sông

ANTĐ - “Song thần ngọc nữ” là  ngôi đền ngự trên một chỏm núi sát cạnh sông Con ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và được coi là Đức Thánh Địa Tam của người dân nơi đây. Đã bao năm qua, người dân ở đây vẫn truyền tai nhau về sự tích kỳ lạ của ngôi đền này - rằng những gia đình có người đuối nước mà không tìm thấy xác, chỉ cần chút lễ nhỏ và sự thành tâm mang đến đền cầu khấn ắt sẽ tìm thấy nạn nhân.    
Ngôi đền nổi tiếng biết “giữ xác” trôi sông ảnh 1
Ông Trần Đắc Tuyển - người trông nom ngôi đền “Song thần ngọc nữ”

Cái chết của hai chị em và sự tích đền “Song thần ngọc nữ”

Vượt qua chặng đường hơn 100km để tìm về xã Nghĩa Hợp - nơi có ngôi đền linh thiêng nổi tiếng cả một vùng xứ Nghệ. Ngôi đền “Song thần ngọc nữ” sừng sững uy nghiêm nằm trên một chỏm núi bên bến phà Sen sát bờ sông Con. Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng thì trước đây có một sự tích ly kỳ được truyền miệng qua nhiều đời rằng: Khi vùng đất này còn hoang sơ, có hai chị em trong một gia đình dắt trâu trên đỉnh núi Vực Lồ chăn thả, khi trâu ăn đến một cây thị cổ thụ gần đó, thấy có quả chín, người chị trèo lên cây hái quả, lúc đó người em ở dưới đợi thì không may bị hổ vồ chết. Nhìn xuống dưới thấy vậy, sợ hãi, người chị cũng rơi từ trên cây thị xuống mép sông và chết. Tuy nhiên, con hổ chẳng những không ăn thịt hai chị em mà còn đem chôn cả hai bên cạnh gốc thị cổ thụ kia.

Nghe tin hai chị em bị chết, thương xót, dân làng liền sang sông đưa xác hai chị em về chôn tại bãi bồi Cồn Đồn là nghĩa trang của làng thời kỳ đó. Thế nhưng, buổi chiều vừa chôn cất xong thì buổi tối con hổ lại tìm sang, bới mộ, cắp xác hai chị em về đào đất vùi xuống dưới gốc cây thị. Thấy lạ, cho đó là ý trời nên dân làng quyết định để hai chị em “nằm nghỉ” tại đó luôn và lập một ngôi đền thờ tên là Vực Lồ. Tuy nhiên về sau, người dân xác định, hai chị em gái được thờ cúng tại ngôi đền Vực Lồ là con của ông Trần Đắc Tiên thuộc đời thứ 5 dòng họ Trần. Không ai rõ hai bà có tên thật là gì nhưng trong gia phả họ Trần phong tặng “hai bà” là “Song thần ngọc nữ” nên ngôi đền mang tên “hai bà” từ đó. Năm 1964 thế kỷ trước, trải qua thời kỳ chiến tranh bom đạn, ngôi đền xuống cấp đổ nát, cây thị cũng mất đi, chỉ còn lại bát hương thờ “hai bà” nằm chơ vơ, lạnh lẽo giữa chốn núi rừng, không ai thờ cúng. Là người thường xuyên chèo thuyền bên bến phà Sen, năm 1985, ông Nguyễn Xuân Đôn ở xóm 3, xã Nghĩa Đồng liền lên đền “hai bà” quỳ khấn: “Nếu hai bà có linh thiêng thì mọc lên hai cây thị tại đây, tôi sẽ lập đền thờ cúng hai bà”. Quả nhiên, hai tháng sau đó, chính tại nơi bát hương nằm lạnh lẽo mọc lên hai cây thị, một cây lớn, một cây bé, giống như tượng trưng cho hai chị em. “Thấy đền linh thiêng, tôi về nhà bàn với vợ và các con chuẩn bị vật liệu xây dựng lại ngôi đền thờ cúng “hai bà” như đã hứa” - ông Đôn nhớ lại. 

Công việc xây lại ngôi đền được cha con ông Đôn tự tay gây dựng chứ không thuê thầy thuê thợ. “Số tiền để xây ngôi đền ngày đó là 1 triệu 3 trăm nghìn đồng mà vợ chồng tôi tích cóp định mua cái tivi về xem nhưng khi tôi kể câu chuyện và lời hứa với hai bà, vợ tôi đã khuyên tôi nên xây ngôi đền như đã hứa. Vậy là tôi cùng các con sang xây đền. Trước khi xây, tôi cũng có xin ý kiến thông qua chính quyền xã Nghĩa Hợp”, ông Đôn cho biết. Sau khi ngôi đền được dựng lên, ngày ngày ông Đôn vừa làm công việc lái đò chở khách qua sông vừa trông coi ngôi đền. Về sau, ông Trần Đắc Tuyển là một người nằm trong hội đồng gia tộc họ Trần ở huyện kế bên tới xin được trông coi, cúng bái, quyét dọn đền thờ “hai bà” và quản lý từ đó.

Ngôi đền nổi tiếng biết “giữ xác” trôi sông ảnh 2
Nằm cheo leo bên bờ sông Con, ngôi đền vần sừng sững qua các cơn lũ hàng năm

Thực hư chuyện đền “giữ xác”? 

Với hàng trăm năm lịch sử, đền “Song thần ngọc nữ” không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây mà đó còn là nơi để những gia đình không may có người bị chết đuối ở dòng sông Con đến cầu xin xác. Khoảng 20 năm chở đò tại đây, ông Đôn từng chứng kiến hàng chục gia đình có người chết đuối không tìm được xác, sau đó họ mang lễ vật đến đền “hai bà” cúng xin, thậm chí ông cũng là người đã từng làm lễ xin xác cho rất nhiều nạn nhân xấu số chết đuối. Theo lời ông Đôn: “Trước đây có hai người chết đuối ở trên Nghĩa Đàn, gia đình họ tìm khắp cả khúc sông mà không thấy xác, sau đó họ đến để nhờ tôi lên đền “hai bà” xin xác, lúc đó tôi cũng sắm lễ vật rồi khấn rằng: “Có hai người chết trôi trên đoạn sông này, nay bị mất xác, hai bà có đi qua thì giữ lại giúp”. Quả nhiên đêm đó, khi người nhà đang túc trực trên đoạn sông mà nạn nhân mất tích thì bỗng thấy có một đốm màu trắng rất to nổi dưới dòng nước, sau đó xác hai người chết nổi lên, đốm màu trắng biến mất”. Cũng theo như ông Đôn nếu nạn nhân chết đuối ở trên sông Con, chỉ cần đến xin xác ở đền “hai bà”, xác cũng sẽ nổi lên ở ngay khúc sông gần ngôi đền chứ không bao giờ nổi ở đoạn sông khác.

Ông Phan Văn Dương, ở xã Tây Hiếu, huyện Nghĩa Đàn có con gái là chị Phan Thị Sen (SN 1969). Vào năm 1986, không may chị Sen bị chết đuối ở sông Con, sau mấy ngày tìm kiếm thi thể con không được, lúc đó gia đình nghe thấy đền hai bà linh thiêng, có thể xin được xác nên đã tìm đến làm lễ cầu xin. Sau khi nhờ ông Đôn thắp hương làm lễ xong, không lâu sau đó, xác của chị Sen đã nổi lên trước sự kinh ngạc của mọi người. Hay như bà Nguyễn Thị Quế, ở xóm 2, xã Nghĩa Đồng có con gái là Cao Thị Chi (SN 1988), năm 2002 chị Chi không may sảy chân ngã xuống sông Con khi đi bắt dế cùng bạn. Gia đình làm hết cách, thuê cả thợ lặn giăng câu, móc, lưới vẫn không tìm được thi thể của chị Chi. Sau khi được ông Đôn mang lễ đến cúng hai bà thì xác nạn nhân đã tìm thấy. “Ngày đó, gia đình tôi còn đang rối bời về việc không tìm thấy xác của con gái, sau khi nhờ ông Đôn cúng tại đến “hai bà” xong, thấy ông bảo với chúng tôi chiều nay xác sẽ nổi lên tại khúc sông thuộc xóm Đào Nguyên, ban đầu chúng tôi còn bán tín bán nghi nhưng quả đúng sau đó xác con gái tôi nổi lên ở khúc sông trên thật”, bà Quế cho biết. Cùng nỗi buồn với gia đình bà Quế, gia đình ông Trần Văn Toàn ở tại nông trường Cờ Đỏ, thuộc huyện Nghĩa Đàn có con trai là Trần Văn Thắng bị chết đuối khi tròn 4 tuổi vào năm 2005. Sau mấy ngày thuê thợ bơi thuyền, thả câu tìm xác nhưng không có kết quả, gia đình ông Toàn liền xuống đền hai bà làm lễ cầu xin thì hôm sau xác của em Thắng được tìm thấy. “Trong suốt những năm tháng chèo đò tại Phà Sen, chính tay tôi đã thắp hương xin xác được cho 25 trường hợp bị chết đuối, tưởng chừng đã bị mất xác. Hầu hết các trường hợp chết đuối đến để xin lại xác là những thành viên trong các gia đình thuộc xã Tây Hiếu (Nghĩa Đàn) hay xã Nghĩa Đồng, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ)… chuyển lên đây khai hoang làm ăn, lập làng”, ông Đôn cho biết.

Đến nay, chuyện “giữ xác” ở ngôi đền “Song thần ngọc nữ” vẫn là điều bán tín bán nghi được truyền miệng, trong đó không ít người nghe những câu chuyện này cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thực hư về câu chuyện đền “Song thần ngọc nữ” biết “giữ xác”, một cán bộ xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ Anh cho biết: “Đền song thần ngọc nữ là một trong những di tích văn hóa có từ lâu đời và cần được bảo tồn, gìn giữ. Chính quyền xã tôn trọng việc người dân tham gia hương khói tại đền, ngôi đền linh thiêng hay không là tùy vào tâm của từng người. Nhưng chính quyền kiên quyết không ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan để ảnh hưởng đến trật tự an ninh trên địa bàn. Do đó, người dân cũng cần cảnh giác trước sự lợi dụng tuyên truyền mê tín, di đoan của những người khác”.