Nghiêm trị chính trị gia cấu kết với "bố già"

ANTĐ - Italia đã bắt đầu phiên tòa xét xử những kẻ bị cáo buộc tham gia hệ thống cấu kết giữa thế giới ngầm tội phạm mafia với một loạt quan chức chính quyền Thủ đô Rome từng làm chấn động dư luận nước này.
Nghiêm trị chính trị gia cấu kết với "bố già" ảnh 1

Trùm mafia Carminati bị bắt giữ

Trong đợt đầu của phiên tòa, 46 người bao gồm nhiều “ông trùm” và hàng loạt các quan chức đứng đầu một số công ty trực thuộc chính quyền và các sở ban ngành ở thành phố Rome, đã bị đưa ra xét xử. Đây là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất Italia, tính từ sau chiến dịch “Bàn tay sạch” hồi đầu thập niên 1990 vốn khiến một nửa số nghị sĩ nước này bị buộc tội nhận hối lộ. 

Vụ “xã hội đen” xâm nhập Tòa thị chính Rome, hay còn gọi là “Mafia thủ đô” do các công tố viên đặt, bị phát hiện từ cuối năm 2014 khi cảnh sát mở chiến dịch bắt Carminati, kẻ được giới truyền thông mô tả là “Linh hồn đen của thế giới ngầm Roma”, hoặc “Kẻ bất tử”, “Hải tặc” vì hắn bị chột mắt trái sau một vụ đấu súng với cảnh sát hồi năm 1981. 

Những chứng cứ thu được cho thấy, tổ chức mafia của Carminati đã điều hành cả một hệ thống chân rết nhằm khai thác các nguồn ngân sách Nhà nước liên quan đến xây dựng ở Thủ đô Rome. Bị mua chuộc, nhiều quan chức và doanh nhân thành phố đã cấu kết với mafia để rửa tiền, hối lộ, tham nhũng. Họ tống tiền các nhà thầu, làm nhiều trò khác để ăn chặn hàng triệu euro tiền mặt vốn dành cho các dịch vụ công, từ thu gom rác đến tiếp nhận người tị nạn. 

Thậm chí những người này còn giúp mafia thao túng các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, can thiệp vào một số cuộc bầu cử ở cấp địa phương. Hệ quả là Thủ đô Rome không có tiền sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường phố nhiều ổ gà và đầy nước cống, hệ thống giao thông công cộng xuống cấp trầm trọng.

Vụ việc đã làm chấn động Italia. Tính đến nay, đã có hơn 150 người bị bắt và điều tra. Nhiều người trong số đó bị phát hiện có tên trong “bảng lương” hàng tháng của mafia từ vài nghìn đến vài chục nghìn euro. Với quy mô như vậy, “Mafia thủ đô” được xem là tổ chức tội phạm lớn thứ năm ở Italia, sau Cosa Nostra ở đảo Sicily, Ndrangheta ở  Calabria, Camorra ở Naples và Sacra Corona Unita ở Puglia. 

Thậm chí vụ “Mafia thủ đô” còn gây sóng gió trên chính trường Italia, khiến đảng cầm quyền bị mất uy tín. Chính phủ trung - tả cầm quyền bị phe đối lập cáo buộc đã “bảo kê” cho mafia trong thời gian dài. Tuy không dính líu vào vụ “Mafia thủ đô” nhưng trước những công kích của phe đối lập, Thị trưởng trung hữu I. Marino đã phải từ chức.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban chống mafia thuộc Quốc hội Italia, thu nhập hàng năm từ hệ thống mafia của nước này vào khoảng 140 tỷ euro, xấp xỉ 10% GDP quốc gia. Còn theo thống kê của Ủy ban chống tham nhũng thuộc Quốc hội, trung bình mỗi năm, Italia thiệt hại ít nhất 60 tỷ euro vì tham nhũng. Để đối phó với tội phạm mafia, Hạ viện Italia đã phải thông qua dự luật chống tham nhũng sửa đổi, với những hình phạt nặng hơn dành cho những kẻ phạm tội, đồng thời khôi phục lại tội danh giả mạo giấy tờ tài chính cũng như câu kết với mafia trong các hoạt động kinh tế. 

Trở lại với vụ “Mafia thủ đô”, Thủ tướng Italia M. Renzi đã gọi bê bối này là một điều “đáng kinh tởm” và khẳng định sẽ làm trong sạch nội bộ. Việc mở phiên tòa xét xử những kẻ bị cáo buộc là bước đi nhằm thực hiện mục tiêu đó.