Nghịch lý trong băng giá

ANTĐ - Đợt không khí lạnh kéo dài hơn nửa tháng qua tại châu Âu không chỉ được chú ý đặc biệt bởi sự bất thường mà còn bởi nghịch lý mà nó làm lộ ra tại châu lục được coi là giàu có nhất hành tinh này.

Băng giá hiếm có ở châu Âu trong mùa đông năm nay

Theo các số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, tính tới cuối tuần qua, số người vô gia cư thiệt mạng do lạnh giá trên khắp châu Âu đã lên tới hơn 550 người. Cơ quan chức năng cảnh báo con số này sẽ tiếp tục tăng do thời tiết băng giá được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng hai. Đã lâu lắm rồi châu Âu mới phải đối mặt với “đợt giá rét thế kỷ”. Không chỉ giá rét mà cả nghèo đói mới là nguyên nhân làm số người chết tăng cao.

Báo cáo của 13 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 8-2 cho thấy có tới ¼ dân số EU có nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo đói hoặc không hòa nhập được với xã hội. Các số liệu thống kê của năm 2010 cho thấy, 115 triệu người châu Âu sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập dưới mức nghèo khó, hay trong các gia đình có điều kiện vật chất quá thiếu thốn (chẳng hạn không có cả lò sưởi), hoặc ở đó người lớn làm việc dưới 20% tổng năng lực của họ.

Cụ thể, Bungari có tỷ lệ dân số cao nhất (42%) có khả năng rơi vào một trong 3 hoàn cảnh trên, tiếp theo là Rumani (41%), Látvia (38%), Lítva (33%) và Hunggari (30%). Đặc biệt là có hai nước có số người nghèo tăng cao hơn so với năm 2009, đó là Tây Ban Nha (từ 23,4% lên 25,5%) và Lítva (từ 29,5% lên 33,4%). Tỷ lệ đói nghèo thấp nhất là ở Cộng hòa Séc (14%), rồi tới Thụy Điển và Hà Lan (cả hai đều 17%). Các số liệu thống kê về nghèo khổ được đưa ra sau các số liệu thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, được công bố tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở EU, với hơn 23 triệu người không có việc làm.

Cách đây không lâu, một số chuyên gia kinh tế dự báo tình trạng khủng hoảng nợ công, thiếu việc làm tại nhiều nước EU sẽ tiếp tục đẩy số lượng người nghèo tăng cao hơn nữa, thậm chí lên tới 140 triệu người. Đối với châu lục được coi là phồn thịnh bậc nhất thế giới, lời cảnh báo trên bị coi là cường điệu. Thế nhưng đợt giá rét kỷ lục đã làm lộ ra rằng thực trạng nghèo đói ở châu Âu không phải là vấn đề bình thường. Thậm chí hôm 11-2, Liên đoàn cảnh sát Hy Lạp đe dọa sẽ ra trát bắt giữ một số quan chức EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có hành vi bất hợp pháp, can thiệp sâu vào việc gây áp lực để dẫn đến việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, đẩy người dân vào tình trạng khốn khó.

Cơn giá rét ở châu Âu sẽ còn tiếp tục hoành hành ít nhất đến cuối tháng hai này. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga cảnh báo không thể cung cấp thêm khí đốt bổ sung cho châu Âu bởi phải ưu tiên phục vụ cho người tiêu dùng tại Nga, đất nước cũng đang phải trải qua một mùa đông vô cùng lạnh giá. Ủy ban châu Âu cho biết các nước Áo, Bungari, Đức, Hy Lạp, Hunggari, Italia, Ba Lan, Rumani và Slovakia đều đã báo cáo về việc sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trong cái giá rét khủng khiếp đó, không biết sẽ còn nghịch lý nào xuất hiện tiếp tại châu Âu?