Nghịch cảnh người dân Hồng Kông có nhà vẫn đi ngủ nhờ nhà hàng

ANTD.VN - “Ở đây có máy lạnh, có Wi-Fi miễn phí để vào mạng và trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, sau đó tôi sẽ ngủ”, bà Monica Lau (57 tuổi) chia sẻ khi “chiếm” sẵn một chiếc bàn và ghế trong nhà hàng McDonald’s ở khu phố Kwa Wan của Hồng Kông (Trung Quốc). Thực tế, những người như bà Monica Lau đã hợp thành “đội quân” được mệnh danh là “những người tị nạn quán McDonald’s - McRefugees”.

Cụm từ McRefugees bắt đầu được chú ý tới vào năm 2015 khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tin, một người phụ nữ lớn tuổi được phát hiện đã tử vong tại một nhà hàng ở Hồng Kông được vài tiếng, trong khi những thực khách xung quanh vẫn đang thưởng thức món ăn. Đáng nói, theo khảo sát mới nhất của Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Junior Chambers Tai Ping Shan (JCI), có khoảng 334 người qua đêm tại 116 nhà hàng McDonald’s mở 24/24h của Hồng Kông vào tháng 6 và tháng 7-2018.

Nghịch cảnh người dân Hồng Kông có nhà vẫn đi ngủ nhờ nhà hàng ảnh 1Những người ngủ nhờ các nhà hàng McDonald’s ở Hồng Kông (Trung Quốc) hiện rất đông

Nhà chật và nóng nên phải ngủ… ngoài đường

Bà Monica Lau làm kế toán đã 20 năm, nhưng tai nạn bỏng năm 2008 khiến bà phải nghỉ việc. Nằm trong danh sách chờ đợi nhà ở xã hội, hiện giờ mỗi ngày bà tự nguyện phục vụ tại một ngôi chùa và ngủ ở các cửa hàng McDonald’s. Nhưng bà vẫn trả 8.000 HKD (tương đương 1.020 USD) mỗi tháng cho một căn phòng không cửa sổ phía sau một cửa hàng bán cá. Khi bắt đầu thuê nhà 5 năm trước, giá tiền thuê nhà chỉ 2.500 HKD (320 USD). Khu này đang thuộc diện giải tỏa để mở rộng đường sắt và bà Lau có thể nhận được bồi thường nếu thuê chỗ khác, nhưng bà không dám bỏ nhà thuê vì điều đó có nghĩa là bà sẽ không được nhận trợ cấp nữa.

Cũng trong một nhà hàng McDonald’s trên phố Kwa Wan, ông Pilee Liu đặt mình trên băng ghế của quán cho biết, ông không ở lại đến sáng vì ngủ ở đây “không lịch sự” nhưng thỉnh thoảng tìm đến đây chợp mắt nếu đêm nào quá nóng. Giống như bà Monica Lau, ông Liu (55 tuổi) không phải là người vô gia cư. Ông nhận phúc lợi hàng tháng, có làm thêm việc để đủ tiền thuê trọ với chi phí 1.300 đôla Hồng Kông - HKD (tương đương 166 USD). “Đêm hè tôi không tài nào ngủ được vì phòng không có cửa sổ và không có máy lạnh. Có lúc phòng còn có gián, muỗi hay rệp. Tôi ước tôi có thể chuyển nhà nhưng không đủ tiền”, ông Pilee Liu nói. 

Khoảng 210.000 người Hồng Kông sống trong những ngôi nhà bị chia nhỏ như ông Liu, mùa hè, nhiệt độ trong phòng có thể lên tới 36-38 độ C nhưng không có máy lạnh nên rất ngột ngạt. Một diện tích sàn khoảng 50-55m2 có thể chia nhỏ để có thể chứa 16-20 người. Ngay cả các không gian chỉ đủ cho chiếc giường nhỏ có giá thuê khoảng từ 2.200-2.500 HD (280-318 USD) đối với tầng cao và 2.800 HKD (357 USD) ở tầng thấp.

Giá nhà tăng với “tốc độ tên lửa”

Trước thực trạng khách hàng đến “ngủ nhờ”, nhân viên các cửa hàng McDonald’s ở Hồng Kông không phân biệt đối xử với bất cứ ai, thậm chí có lúc họ tắt bớt đèn lúc nửa đêm cho khách ngủ ngon hơn. Bà Monica Lau kể, có lần các nhân viên đã bật điều hòa mức lớn nhất để “khéo đuổi khách”. “Nó lạnh giống như Bắc Cực vậy, khi tôi tỉnh dậy, tất cả những người khác đã đi hết nhưng tôi vẫn ổn vì luôn mang áo khoác theo”.

Đối với hầu hết cư dân Hồng Kông, sở hữu một căn nhà hiện giờ chỉ là ý tưởng viển vông vì giá nhà ở đây rất cao và thời gian chờ đợi để có thể mua nhà khoảng 5-10 năm, thậm chí 25 năm. Năm 2016, giá căn hộ 1 phòng ngủ trên đường Walfare được tung ra thị trường với giá ngất ngưởng - 2,8 triệu USD. Hồi tháng 4 năm nay, một ngôi nhà 4 phòng ngủ khác ở Hồng Kông trở thành ngôi nhà đắt thứ hai ở châu Á với giá bán 177,3 triệu USD.

 “Mặc dù tiền thuê nhà ở Singapore hay Thủ đô Tokyo, Nhật Bản rất cao nhưng các căn hộ vẫn đủ điều kiện sinh hoạt” - ông Wong Hung - Giáo sư trường Đại học Trung Quốc Hồng Kông cho biết. Giá thuê nhà của Hồng Kông được Giáo sư Wong Hung đánh giá là tăng với “tốc độ tên lửa”. “Chính phủ đã có rất nhiều chính sách để cố gắng ngăn chặn đà tăng giá nhưng mọi chính sách đã thất bại”, ông Wong Hung nói.

Những con số:  

70% người ngủ nhờ các quán McDonald’s ở Hồng Kông (Trung Quốc) có nhà ở.

22% nói không đủ trả tiền điện nên ra ngoài ngủ.

20% cho biết vì nhà quá chật và nóng trong khi ở quán có điều hòa và Wi-Fi.

20% cho rằng nguyên nhân khiến họ ra ngoài ngủ vì tiền thuê nhà ngày càng tăng.