Nghề phóng viên ngày càng trở nên nguy hiểm

ANTD.VN - Theo thống kê của tờ DW (Đức), trong 10 tháng đầu năm 2018, 73 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị sát hại. Điều đáng quan tâm là các vụ việc không chỉ xảy ra ở khu vực chiến tranh. Mối đe dọa với phóng viên điều tra gia tăng. Không ít người đã bị bắt giam trong năm qua.

Thời điểm cực kỳ nguy hiểm với các nhà báo

Cái chết của nữ nhà báo người Bulgaria - Viktoria Marinova, 30 tuổi là trường hợp mới nhất minh chứng về sự nguy hiểm của nghề báo. Thi thể cô được phát hiện hôm 6-10, gần một đường chạy bộ bên bờ sông Danube. Nữ nhà báo bị cưỡng hiếp, đánh vào đầu, ngạt thở dẫn đến cái chết thương tâm. Vụ việc gây chấn động Bulgaria và cộng đồng quốc tế những ngày gần đây.

Theo thống kê của Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ), đã có hơn 70 phóng viên và nhân viên truyền thông bị sát hại trong năm 2018 và chắc chắn, con số này chưa dừng lại. Các vụ giết hại nhà báo diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, đáng chú ý như Afghanistan, Brazil, Bulgaria, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Guatemala, Ấn Độ, Iraq, Liberia, Mexico, Nicaragua, Pakistan, Palestine, Philipines, Cộng hòa Slovakia, Somalia, Syria, Mỹ và Yemen.

Một xu hướng dễ nhận thấy là tình trạng bạo lực nhằm vào các nhà báo gia tăng trong thời gian gần đây. Ước tính, hơn 2.500 nhà báo đã bị sát hại từ năm 1990. Trong năm 2017, đã có 82 nhà báo bị sát hại. Đây được coi là con số thấp nhất trong một thập kỷ qua. Trước đó, số nhà báo thiệt mạng mỗi năm đều vượt quá con số 100. Cao nhất phải kể đến năm 2003 với 155 nhà báo thiệt mạng, đến năm 2007, con số này là 135 người.

Hầu hết những nhà báo thiệt mạng trong năm 2017 đều liên quan đến việc điều tra các vụ án về tham nhũng chính trị và tội phạm có tổ chức. Ông Mahoney, Phó giám đốc điều hành của CPJ nói rằng: “6 năm qua là thời điểm cực kỳ nguy hiểm với các nhà  báo. Nhiều nhà báo không bị giết trong các cuộc xung đột mà bị sát hại khi tác nghiệp chuyên môn”. Ông    Mahoney cũng cho biết thêm, trong năm 2017, Mexico được xác định là một trong những quốc gia không trong tình trạng chiến tranh nhưng rất nguy hiểm với các nhà báo.

Ernest Sagaga, một quan chức của IFJ nói rằng, thực tế cho thấy, các nhóm vũ trang ở Afghanistan và Mexico sử dụng cùng một cách thức để tấn công và đàn áp các nhà báo. “Đôi khi chúng sẽ thuê các sát thủ để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, điều đáng nói là, những kẻ giết người thực sự không bị đưa ra ánh sáng công lý”, Ernest Sagaga nói.

Chân dung nữ nhà báo người Bulgaria - Viktoria Marinova

Số lượng nhà báo bị bắt giữ gia tăng

Số lượng nhà báo bị sát hại là minh chứng mạnh mẽ để khẳng định sự nguy hiểm mà các nhà báo, nhân viên truyền thông phải đối mặt. Tuy nhiên, đó không phải là mối đe dọa duy nhất mà các nhà báo gặp phải. Theo CPJ, năm 2017 là năm có số lượng nhà báo bị bắt giam cao kỷ lục, 262 người, cao nhất trong gần ba thập kỷ trở lại đây.

CPJ cho biết, số liệu thống kê nhà báo bị bắt giam thường chốt số liệu vào ngày 1 tháng 12 hàng năm. Chính vì vậy, số nhà báo bị bắt giam trên thực tế có thể cao hơn vì số liệu thống kê hàng năm không tính đến những người bị bắt và được trả tự do ngoài thời điểm trên.

“Sự giam giữ cũng là một hình thức đe dọa đối với các nhà báo. Nó buộc các nhà báo bị bắt giam phải im lặng và đe dọa những người đang hoạt động ở bên ngoài nơi giam giữ”, ông Ernest Sagaga nói. Trong năm 2017, các quốc gia có số lượng phóng viên bị bắt giam cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với 73 nhà báo, Trung Quốc với 41 nhà báo và Ai Cập với 20 nhà báo.