Ngày càng nhiều người đến Thụy Sĩ tìm "quyền được chết"

ANTD.VN - Những cụm từ “quyền được chết”, “an tử” hay “trợ tử” đã xuất hiện từ lâu và gây tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới. Vì sự cấm đoán của nhiều quốc gia, những người tìm đến dịch vụ “trợ tử” ở Thụy Sĩ  ngày càng đông. 

“Quyền được chết” có thể hiểu như việc một người quyết định chấm dứt cuộc đời mình do bệnh tật, tổn thương hay những vấn đề khác mắc phải khiến họ cảm thấy bế tắc, không lối thoát. Từ năm 1941, dịch vụ “trợ tử” là hợp pháp ở Thụy Sĩ nếu việc này do một người không phải là bác sĩ thực hiện và người này không nhận được lợi ích gì từ người chết.

Ngày càng nhiều người đến Thụy Sĩ tìm "quyền được chết" ảnh 1Giáo sư già nhất thế giới người Australia David Goodall đến Thụy Sĩ để tìm “quyền được chết”

Những du khách “một đi không về”

Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới phản đối những dự luật liên quan đến vấn đề này, Thụy Sĩ là một trong số ít quốc gia hợp pháp hóa “quyền được chết” của người dân và phát triển dịch vụ “trợ tử”,  mở rộng cánh cửa đón cả những du khách nước ngoài tìm đến đây để kết thúc cuộc đời mình. Luật pháp đất nước này quy định, bất kì người nào có đủ tỉnh táo và nhận thức, liên tục bày tỏ nguyện vọng muốn được chấm dứt cuộc sống của mình, hoàn toàn có quyền nhận được “cái chết êm ái”.

Hàng loạt các tổ chức hỗ trợ tự tử đã được thành lập ở Thụy Sĩ cuối những năm 1990 đầu 2000 với mục đích mang tới “cái chết nhân đạo” cho khách hàng, là những người dân trong và ngoài nước. Trong đó, điển hình nhất là các tổ chức Dignitas hay Life Circle mở rộng dịch vụ của mình đón tiếp khách nước ngoài. Điều này đã làm nở rộ một xu hướng du lịch mới tới Thụy Sĩ - “Du lịch tự tử”. 

Một nghiên cứu được tiến hành ở Zurich (Thụy Sĩ) từ năm 2014 về dịch vụ “trợ  tử” cho thấy số lượng người nước ngoài đến Thụy Sĩ tìm kiếm những dịch vụ này ngày càng tăng. Theo số liệu các nhà nghiên cứu đưa ra, có khoảng 123 người nước ngoài sử dụng dịch vụ này ở Thụy Sĩ vào năm 2008, và con số này tăng lên 172 người vào năm 2012. Tổng cộng trong 4 năm 2008-2012 có khoảng 611 người tham gia “du lịch tự tử” đến từ 31 quốc gia, chủ yếu là từ Đức và Anh chiếm lần lượt 44% và 21%. Độ tuổi trung bình của những du khách “một đi không về” này là 69, trong đó nữ giới chiếm gần 60%.

Tính đến nay, đã có hơn 1.000 người nước ngoài tìm đến Thụy Sĩ với mong muốn được chấm dứt cuộc sống của mình. Gần đây nhất, ngày 10-5-2018, giáo sư người Australia David Goodall cũng đã lựa chọn “quyền được chết” tại trung tâm trợ tử Life Circle (Thụy Sĩ) khi 104 tuổi.

Nhu cầu ngày càng lớn

Lựa chọn được chết êm ái, không phải chịu thêm những đau đớn về thể xác và tinh thần do bệnh tật đã và đang là nhu cầu có thật. Phần lớn những người tìm đến các tổ chức “trợ tử” là những người mắc bệnh ung thư, người già, người mắc các căn bệnh kinh niên hoặc những bệnh liên quan tới hệ thần kinh. 

Điều kiện chung để một người nhận được dịch vụ “trợ tử” là: phải chứng minh được tình trạng bệnh tật, khẳng định chắc chắn nguyện vọng được chấm dứt cuộc sống trước sự làm chứng của 3 người, trong đó có 1 người không liên quan về mặt lợi ích và nghĩa vụ. Quan trọng nhất là họ phải nhận thức được hành vi của mình, tự đưa ra quyết định không bị thúc ép bởi bất kì ai và tự tay chấm dứt cuộc sống của mình.

Trong số những du khách đến với Thụy Sĩ để tìm kiếm “cái chết êm ái”, có những người mắc bệnh hiểm nghèo ở những giai đoạn giữa. Lý do họ lựa chọn ra đi sớm như vậy bởi vào giai đoạn cuối của bệnh, họ sẽ khó di chuyển. 

Một điều nữa khiến nhiều người tìm đến Thụy Sĩ để kết thúc cuộc sống của mình hơn những quốc gia khác như Bỉ hay Hà Lan, nằm ở sự khác biệt giữa luật pháp. Luật pháp Thụy Sĩ không có quy định cụ thể nào liên quan đến điều kiện một người như thế nào thì được quyền lựa chọn cái chết, trong khi Bỉ và Hà Lan chỉ cho phép những bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn cuối và những bệnh không thể chữa trị được. Điều này đã phần nào làm tăng lên số người muốn thực hiện “quyền được chết” tại đất nước này.

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận về việc các tổ chức hỗ trợ tự tử này đang khuyến khích con người tự tử.