Nga-Trung xích lại gần nhau tạo nên cơn ác mộng đối với Mỹ?

ANTD.VN - Trong chuyến thăm Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ, khi thông qua "Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới" và "Tuyên bố chung về việc tăng cường tính ổn định chiến lược toàn cầu trong kỷ nguyên hiện đại". Tuy nhiên, liệu "tình bạn" mới này có thực sự mang lợi ích cho Nga?

Cuộc gặp lịch sử Nga-Trung 

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khuấy động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc, tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan vấn đề Ukraine, Nga và Trung Quốc đang bị đẩy về cùng một phía, có xu hướng ngày càng "bền chặt hơn" hơn.

6 năm qua, Tổng thống Putin đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ít nhất 30 lần, và trao đổi thương mại song phương Nga-Trung đạt 108 tỷ USD. Tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg hồi tuần trước (ngày 5-6), hai nước đã ký kết hơn 25 thỏa thuận thương mại cùng nhiều thỏa thuận khác liên quan tới nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp tới công nghệ. Cụ thể: 

(1) Thỏa thuận thanh toán các hợp đồng kinh tế theo đồng Rub và đồng Nhân dân tệ mà không thông qua vai trò trung gian của đồng USD. 

(2) Công ty hạt nhân quốc gia Nga Rosatom và Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNP) ký hợp đồng về việc xây dựng tổ máy thứ 3 và thứ 4 tại nhà máy hạt nhân Xudapu ở Đông Bắc Trung Quốc, trị giá 1,7 tỷ USD. 

(3) Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và Tập đoàn Mail.Ru của Nga ký thỏa thuận đầu tư 382 triệu USD để xây dựng liên doanh thương mại điện tử; RDIF cũng ký thỏa thuận với Tổng công ty đầu tư Trung Quốc (CIC) để xây dựng một quỹ đổi mới khoa học chung trị giá 1 tỷ USD. 

(4) Tập đoàn công nghệ thông tin Huawei ký thỏa thuận với Tập đoàn MTS của Nga để đưa công nghệ 5G áp dụng ở Nga. Trước hết, Nga sẽ triển khai mạng 5G của Huawei ở 2 thành phố lớn là Moscow và St. Petersburg. 

(5) Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc để phát triển "Con đường tơ lụa trên biển" (một nhánh của "Vành đai, Con đường" - BRI) đi qua vùng Bắc Cực, nhằm kết nối với Tuyến hàng hải phương Bắc (NSR) của Nga. 

(6) Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu đậu nành, lúa mì, khí thiên nhiên hóa lỏng từ Nga, thay vì nhập từ Mỹ. 

(7) Nga và Trung Quốc tăng cường các cuộc diễn tập quân sự chung và Nga sẽ chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc bất chấp sự đe dọa cấm vận của Mỹ. Qua đó, cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định, quan hệ Nga-Trung hiện đang ở thời kỳ "tốt đẹp nhất trong lịch sử" hai nước.

Nga-Trung xích lại gần nhau tạo nên cơn ác mộng đối với Mỹ? ảnh 1 

Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn thời gian gần đây

Đối với Nga, mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc thực sự là một điều hấp dẫn. Sau 5 năm "gánh chịu" liên tiếp các đợt trừng phạt của quốc tế (chủ yếu là Mỹ/phương Tây), được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea (năm 2014) thì động thái "làm thân" của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như là một "sự xoa dịu" đáng được chào đón. Tuy nhiên, trước khi ông Putin đặt quá nhiều niềm tin vào Trung Quốc, ông cần nhìn lại lịch sử khi xây dựng liên minh Xô-Trung.

Đầu những năm 1950, ngay sau khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền tại Trung Quốc, nước này đã thành lập một liên minh với Liên bang Xô viết. Tuy nhiên, mối quan hệ này luôn căng thẳng vì Chủ tịch Joseph Stalin và Mao Trạch Đông đều muốn giành "vai trò lãnh đạo" phong trào cộng sản quốc tế. Khi đó, Chủ tịch Stalin có lợi thế hơn, ông Mao Trạch Đông cũng hiểu rẳng, các chế độ cộng sản cần thành lập một mặt trận thống nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Đó là lý do tại sao Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã rất tức giận vào năm 1956, khi Nikita Khrushchev, người tiếp quản vị trí của Chủ tịch Liên Xô Stalin sau khi ông qua đời trước đó 3 năm đã tố cáo người tiền nhiệm của mình. Làm sao Khrushchev lại dám thách thức vị thế cao quý của ông Stalin (mở rộng ra là đe dọa Chủ tịch Mao Trạch Đông sẽ phải đối mặt với số phận tương tự)? Mặc dù Liên bang Xô Viết chiếm tới 60% lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nhưng căng thẳng này đã dẫn tới sự chia rẽ kéo dài một thập kỷ.

Lý do nâng tầm quan hệ

Hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại Mỹ/phương Tây. Điều khác biệt là với nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà lãnh đạo Trung Quốc mới là người có lợi thế hơn. Cho tới nay, điều này vẫn chưa gây ra vấn đề lớn nào cho Nga.

Sau cuộc gặp thành công trong lịch sử ngày 5-6-2019. Giới chuyên gia đưa ra 3 kiến giải nguyên nhân của việc nâng tầm quan hệ Nga-Trung thành đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới:  

Thứ nhất, thực tế, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung đã mang tính chất toàn diện và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực khi Trung Quốc cũng giữ vững vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong suốt 6 năm qua. Nga là đối tác kinh tế quan trọng và là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc. 

Hai nước chủ trương đẩy mạnh hợp tác và phối hợp với nhau trên các diễn đàn quốc tế nhằm duy trì hệ thống được xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ) và LHQ giữ vai trò trung tâm, thúc đẩy giải quyết các điểm nóng của thế giới bằng biện pháp đối thoại và hòa bình; xu hướng đa cực. Hợp tác Nga-Trung còn được triển khai trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, nội dung và kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

 

Trong chuyến thăm Nga bắt đầu từ ngày 5-6-2019 và tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg, Nga và Trung Quốc quyết định nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới (Nguồn: TASS)

Thứ hai, năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Trung. Do đó, quyết định nâng tầm quan hệ hợp tác lên mức cao nhất còn có ý nghĩa và tính chất biểu tượng. 

Thứ ba, Nga và Trung Quốc đều có nhu cầu liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đối phó với sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ. Đối với Nga, đó là sức ép từ phía Mỹ liên quan tới việc hóa giải các điểm nóng Ukraine, Venezuela, Syria và sự mở rộng không ngừng của NATO sát biên giới Nga. Cả hai bên đều cho rằng, sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự táo bạo về mặt chính trị của Nga sẽ giúp hai nước chống lại những thách thức đến từ Mỹ.

Canh bạc của Tổng thống Nga?

Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng chiến thuật phù hợp lúc này, bởi ông nhận thấy và nắm bắt được cơ hội để tăng cường vị thế của Nga, cho dù chỉ nắm trong tay các lá bài yếu. Việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã gây trở ngại cho nỗ lực hội nhập hòa bình của Ukraine vào các cấu trúc của phương Tây, Nga đã phải trả giá bằng sự suy giảm kinh tế và bị quốc tế cô lập. Nhưng, sau quá trình 5 năm, nước Nga thời ông Putin đã dần thích nghi được với các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây, dần hồi phục lại được nền kinh tế và thể hiện được tầm ảnh hưởng tại một số vấn đề nóng trên thế giới như Venezuela, Triều Tiên, khủng bố IS...

Tương tự, việc Nga can thiệp vào Syria (từ năm 2015) đã thành công lớn do Mỹ thiếu một chiến lược có tính cố kết và chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống D. Trump với quyết định rút quân khỏi Syria hồi tháng 12-2018, đã biến Nga trở thành "người chơi chính", thế chỗ Mỹ tại khu vực Trung Đông. Nước này đã tăng cường quan hệ với đồng minh thân cận lâu năm Syria, đẩy mạnh quan hệ với Iran và một số "người bạn", vốn là đồng minh của Mỹ như UAE, Saudi Arabia, Israel...

Tuy nhiên, trong dài hạn, những thành tích to lớn kể trên sẽ khiến ông Putin phải đau đầu nhiều hơn là vui vẻ, đòi hỏi ông cần có những chính sách mới trong cải thiện quan hệ với Mỹ/phương Tây - những đối tác thương mại rất lớn của Nga và cẩn trọng trong hợp tác với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc cũng có thể là một "canh bạc" đối với ông Putin.