Ngập ngụa trong độc hại

ANTĐ - Rác thải điện tử bao gồm mọi thứ từ tivi, tủ lạnh, điều hòa cũ hỏng đến những chiếc máy tính để bàn đầy bụi chất trong nhà kho của bạn. Nhiều thứ trong số đồ dùng này được sản xuất từ Trung Quốc, qua dòng xoáy lạ thường của kinh tế toàn cầu, phần lớn chúng lại được quay trở về Trung Quốc để “chết”. 

Người dân sống chung với rác thải điện tử

“Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 70% chất thải điện tử trên toàn cầu đã tụ về Trung Quốc” - ông Mã Thiên Giải, phát ngôn viên Văn phòng Tổ chức Hòa bình xanh tại Bắc Kinh nói. Phần lớn số rác thải điện tử tới đây bằng con đường bất hợp pháp.

Hậu quả cực kỳ nguy hiểm

Trong hơn một thập kỷ qua, thành phố Quế Ngữ ở phía đông nam nằm nép mình bên khu vực sản xuất chính của Trung Quốc, đã trở thành trung tâm tiếp nhận và xử lý rác thải điện tử. Hàng trăm nghìn người dân ở đây đã trở thành các “chuyên gia” tháo dỡ tại bãi rác điện tử lớn nhất thế giới này. 

Đây là một trong những nơi hoạt động tái chế rác thải điện tử không chính thức lớn nhất thế giới. Nhưng việc tái chế ở Quế Ngữ là công việc cực kỳ ô nhiễm và nguy hiểm. “Khi việc tái chế được thực hiện đúng cách, đó là một việc hữu ích đối với môi trường. Nhưng khi nó được thực hiện theo những cách thô sơ như chúng ta thấy ở Trung Quốc, đặc biệt với rác thải điện tử, nó lại gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với môi trường” - ông Mã Thiên Giải nói.

Theo một cáo báo tháng 4-2013 về “Xử lý chất thải điện tử ở Trung Quốc”, ngành công nghiệp xử lý rác thải điện tử trên quy mô lớn ở Quế Ngữ được coi như “thảm họa môi trường”. Ô nhiễm độc hại xuất phát từ việc đốt các bảng mạch, nhựa và dây đồng, hoặc rửa bằng axit clohydric để thu về những kim loại có giá trị như đồng và thép.  Các nhà xưởng này đã đầu độc công nhân và môi trường với những kim loại nặng độc hại như chì, berili, cadmium đồng thời thải bụi hydrocarbon vào môi trường, nước và đất. 

Những người lần đầu tiên đến Quế Ngữ đều nói rằng họ có cảm giác nóng ở mắt, mũi khi hít phải không khí ở đây. Nghiên cứu của trường Đại học Y Sán Đẩu cho thấy, nhiều trẻ em ở Sán Đẩu được kiểm tra có nồng độ chì trong máu cao hơn mức trung  bình, việc này có thể ngăn cản sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh trung ương. 

Trên một cánh đồng lầy lội ngay bên ngoài thị trấn, phế liệu công nghệ được đổ thành đống. “Thủy ngân có thể bị rò rỉ trong quá trình tháo dỡ các thiết bị như màn hình phẳng. Đốt cháy hay chôn lấp chúng đi cũng có thể khiến cho thủy ngân thoát ra môi trường… tích lũy và phát tán với mức độ cao vào chuỗi thức ăn, đặc biệt là trong cá” - báo cáo “Công nghệ độc” của Tổ chức Hòa bình xanh cho biết.

Bảo sao không độc hại

Hầu hết những người làm việc liên quan đến rác thải điện tử ở Quế Ngữ là dân nhập cư nghèo. Cuộc sống mưu sinh khiến họ quên đi nguy cơ sức khỏe do ngành công nghiệp này gây ra. Một phụ nữ họ Lu vừa nhặt những mảnh nhựa thu được do đốt máy tính, các loại điều khiển, chuột máy tính vừa nói: “Tất nhiên là nó có độc hại, nhưng nhiều gia đình đã sống ở đây nhiều thế hệ mà chẳng thấy ảnh hưởng gì tới sức khỏe”. 

Một nhóm nông dân từ tỉnh Giang Tây tới Quế Ngữ trồng lúa nói rằng, họ không dám uống nước ở đây và nước sinh hoạt ở đây, nếu giặt quần áo và khăn mặt thì chúng sẽ chuyển sang màu vàng. “Chúng tôi không dám ăn loại gạo do chính chúng tôi trồng ở đây bởi vì nó đã bị ô nhiễm nặng” - một nông dân họ Chu nói. Khi được hỏi ai ăn gạo trồng ở đây, anh ta đáp: “Làm sao tôi biết được. Nó được bán đi nơi khác. Nhưng họ không ghi nhãn gạo trồng ở Quế Ngữ, mà sẽ dán nhãn trồng ở nơi khác”. 

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi vụ bê bối thực phẩm mới đây nhất ở Trung Quốc xảy ra hồi đầu tháng 6 là gạo nhiễm kim loại nặng cadmium độc hại. Vụ việc bắt nguồn khi nhà chức trách thành phố Quảng Châu, cách Quế Ngữ khoảng 400km đã phát hiện nồng độ cao chất cadmium trong gạo và các sản phẩm từ gạo. Trước sức ép từ người dân, nhà chức trách phải mở rộng điều tra và phát hiện nhiều loại gạo nhiễm cadmium có thể gây ra suy thận, bệnh về xương và các bệnh khác nếu ăn hoặc hấp thụ qua da.