Nga-Mỹ xích lại gần nhau?

ANTĐ - 6 tháng trước, các quan chức chính quyền Obama cho biết, mục đích của họ là cô lập Tổng thống Nga V.Putin sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ nước này và hỗ trợ quân sự cho phe ly khai ở miền Đông Ukraina. Hai bên đã tung ra các biện pháp trừng phạt trả đũa nhau đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở cả EU và Nga và có thể gây ra một cuộc suy thoái mới.
Nga-Mỹ xích lại gần nhau? ảnh 1

Thế nhưng đến lúc này như Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã phải phát biểu hoan nghênh việc tăng cường hợp tác với ông Putin sau cuộc gặp mặt mới đây với người đồng cấp của Nga- Sergei Lavrov và Mỹ đang theo đuổi một chính sách mới - ông Kerry nhấn mạnh. Khi phác thảo chiến lược ngoại giao của mình, trong đó có các đề xuất hợp tác với Nga trong vấn đề chống khủng bố và các vấn đề toàn cầu, nhằm tạo ra  nền tảng cho các cuộc đàm phán về những vấn đề hóc búa hơn.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng tại Paris mở ra triển vọng hàn gắn quan hệ giữa hai nước, mà ông Kerry khẳng định không phải là ngoài tầm với. Hai ngoại trưởng đã nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc nhằm nỗ lực thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa hai nước.

Washington đã phát động một chiến dịch “trừng phạt” nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế. Chính sách cô lập của Nhà Trắng đã cắt đứt hầu hết các con đường hợp tác giữa Mỹ và Nga, bao gồm cả trao đổi hợp tác an ninh. Ngay cả khi tiến hành chiến tranh với IS, thoạt đầu Mỹ không cần hỏi ý kiến Nga. Thế nhưng sau một thời gian, Mỹ đã nhận ra rằng nếu không có sự hậu thuẫn của Nga thì các điểm nóng trên thế giới rất khó giải quyết. Đó cũng là lý do Washington và Moscow cam kết sẽ nối lại hợp tác an ninh, điều này đặt cơ sở ngăn chặn các rạn nứt vốn xuất hiện từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Cả hai đã thống nhất chấp nhận hợp tác 2 việc lớn. Thứ nhất là cùng chung tay ngăn ngừa dịch Ebola đang bùng phát dữ dội tại Tây Phi và đã bắt đầu lan ra ngoài khu vực này. Nga cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước khác đấu tranh với căn bệnh nguy hiểm này. Một số quốc gia châu Âu đã đề đạt rằng, trong trường hợp cần thiết, Nga sẽ cung cấp cho họ phương tiện hàng không đặc biệt mà hiện thời các đối tác châu Âu chưa có. Nga hiện sở hữu những khối hình trụ cơ động độc đáo chuyên dùng vận chuyển bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm.

 Thứ hai, các ông Kerry và Lavrov đã nhất trí với việc trao đổi thông tin tình báo trong cuộc đấu tranh với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như những thách thức khủng bố khác trong khu vực. Các nhà ngoại giao còn nhắc đến chương trình hạt nhân Iran.

Đây là động thái tích cực mới, nhất là trước đó khi phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Politika của Serbia trước chuyến thăm Serbia và trước cuộc gặp thượng đỉnh ASEM tại Italia Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo với Washington rằng, những cản trở tiến trình hòa bình tại Ukraine có thể đe dọa sự ổn định toàn cầu đồng thời nhấn mạnh, Moscow sẽ không bị hăm họa bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. “Chúng tôi kỳ vọng rằng, các đối tác của chúng tôi sẽ nhận thức được sự vô ích của những nỗ lực hăm họa Nga, sẽ hiểu sự liều lĩnh khi cố tìm cách tống tiền nước Nga và hãy nhớ rằng sự bất đồng giữa các cường quốc hạt nhân lớn có thể gây hậu quả tới ổn định chiến lược toàn cầu”, Tổng thống Nga tuyên bố.

Cho dù trước tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh Ebola và chủ nghĩa khủng bố, Nga và Mỹ lại bắt tay nhau, gác qua một bên những căng thẳng đỉnh điểm liên quan tới vấn đề Ukraina thì mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện nay không đơn giản. Dù sao đi nữa thì các vấn đề cấp bách của thế giới đang đẩy Moskva và Washington tiến tới sự hợp tác.

Các phương tiện truyền thông phương Tây đã bình luận khá lạc quan về kết quả cuộc hội đàm ngoại giao giữa Nga và Mỹ ở Paris. Theo The Washington Post, nguyện vọng của Mỹ và Nga cùng làm việc trên các mặt trận (IS, Ebola và chương trình hạt nhân Iran) là dấu hiệu ấm lại đầu tiên của mối quan hệ sau 7 tháng xung khắc đầy căng thẳng.

Trong diễn biễn khác, mối quan hệ Nga-Mỹ suy thoái đã khiến Nga nhìn qua phương Đông. Đầu tuần qua, ông Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc  Cường ký những thỏa thuận tài chính, thương mại và năng lượng và đồng ý trao đổi 150 tỷ Nhân dân tệ (25 tỷ USD). Việc này giúp Nga làm thương mại trực tiếp với Trung Quốc, bỏ qua đồng USD. “Đó là bằng chứng tốt rằng nếu ai bỏ chỗ của mình, sẽ có người khác chiếm chỗ”, ông Medvedev nói và giải thích các thỏa thuận với Trung Quốc không mang động cơ chính trị, chỉ có ý nghĩa kinh tế vì Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn của Nga.  

Đây là một trong những nguyên do mà các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã phải ngồi lại với nhau thảo luận về khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và tình hình Ukraine tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 được tổ chức ở Thủ đô Washington của Mỹ. Tại cuộc gặp nói trên, tất cả các bên đều nói về nỗ lực dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bởi rõ ràng là các biện pháp này cản trở sự phát triển kinh doanh vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của chính các nước áp đặt lệnh trừng phạt".