Nga và Trung Quốc lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới sau vụ thử tên lửa của Mỹ

ANTD.VN - Nga và Trung Quốc cho biết vụ thử tên lửa mới nhất của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng quân sự và có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang, vài tuần sau khi Washington kết thúc hiệp ước vũ khí thời Chiến tranh Lạnh với Moscow.

Mỹ và Nga đã chấm dứt Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong tháng 8-2019 sau khi cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước. Washington cho biết, thỏa thuận cũng  “bó buộc” Mỹ trong việc đối phó với các cường quốc khác như Trung Quốc.

Ngày 19-8, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đã thử một loại tên lửa phóng từ mặt đất vốn đã bị cấm theo thỏa thuận INF về việc hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân và tầm trung thông thường vào năm 1987. Tên lửa được phóng từ đảo San Nicolas do Hải quân Mỹ kiểm soát ngoài khơi bờ biển California.

Vũ khí được Mỹ thử nghiệm là phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk có đầu đạn hạt nhân (Ảnh: AFP)

Trả lời hãng thông tấn TASS về thái độ của Nga trước những hành động này của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho biết: “Mỹ rõ ràng đã "tham gia một khóa học" về cách leo thang căng thẳng quân sự. Chúng tôi sẽ không bị kích động với những hành động khiêu khích này. Chúng tôi sẽ không cho phép bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”.

Ông Ryabkov cũng đưa ra nhận định rằng cuộc thử nghiệm cho thấy Washington đã chủ đích phát triển các hệ thống tên lửa như vậy từ lâu trước khi chính thức rút khỏi thỏa thuận.

Tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói: “Những động thái này của Mỹ sẽ kích hoạt một cuộc đua vũ trang mới, dẫn đến sự leo thang đối đầu quân sự”. Ông Cảnh Sảng cũng tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm này sẽ có tác động tiêu cực và nghiêm trọng đến tình hình an ninh quốc tế và khu vực. “Người Mỹ nên từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh của mình, và làm nhiều việc có lợi cho sự hòa bình và yên bình của quốc tế và khu vực”, ông Cảnh nói thêm.

Phát biểu tại Pháp ngày 19-8, sau khi tin tức về vụ phóng thử nghiệm của Mỹ được công bố, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ chỉ triển khai các tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn để đáp trả các động thái tương tự của Mỹ.

“Nếu Mỹ sản xuất các hệ thống tấn công, chúng tôi cũng sẽ làm vậy”, Tổng thống Nga nói trong một cuộc họp báo trước cuộc họp với nhà lãnh đạo Pháp, Emmanuel Macron.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại miền nam nước Pháp (Ảnh: AFP)

Moscow và Washington từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước này, nhưng ông Putin nói rằng chính Mỹ đã đưa ra quyết định rút đơn phương.

Vũ khí được thử nghiệm vào ngày 18-8 của Mỹ là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có đầu đạt hạt nhân. Phiên bản tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất của đã bị ngừng sử dụng sau khi INF được phê chuẩn.

Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, cho biết, Mỹ đã bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo di động, thông thường, phóng từ mặt đất.

Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ

“Giờ đây, khi chúng tôi hoàn toàn rút khỏi hiệp ước INF, Bộ Quốc phòng sẽ có thể tập trung theo đuổi việc phát triển các tên lửa thông thường phóng từ mặt đất, như một phản ứng thận trọng đối với các hành động của Nga”, ông Mark Esper nói.

Ông Esper khẳng định Mỹ không bắt tay vào một cuộc chạy đua vũ trang mới: “Ý nghĩa truyền thống của một cuộc chạy đua vũ trang là trong bối cảnh hạt nhân, nhưng bây giờ, chúng tôi không có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân tầm xa. Trong khi đó những người Nga đã phát triển các loại vũ khí có đầu đạn hạt nhân”.

Thành phố Severodvinsk, nơi xảy ra vụ nổ chết người khi thử nghiệm hệ thống tên lửa của Nga đã có sự tăng đột biến về mức độ ô nhiễm phóng xạ (Ảnh Ribbtes)

Vụ phóng thử tên lửa của Mỹ diễn ra chỉ vài tuần sau khi một vụ nổ chết người tại một địa điểm thử nghiệm của Nga, nơi các chuyên gia phương Tây liên kết với Moscow được cho là cố gắng phát triển một hệ thống tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vụ nổ đã làm 5 nhà khoa học thiệt mạng và gây ra sự gia tăng đột biến về mức độ phóng xạ, mặc dù chính quyền Nga vẫn kiểm soát chặt chẽ bản chất của vụ nổ.