Nga: Trước khi đi rao giảng cho nước khác, Mỹ nên tập trung vào các vấn đề nội bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -TASS ngày 2-7 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác mà hãy tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.

Nga: Trước khi đi rao giảng cho nước khác, Mỹ nên tập trung vào các vấn đề nội bộ ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova

"Đầu tiên, không can thiệp vào công việc của các nước khác. Thứ hai, mọi quốc gia đều có quyền theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại của chính mình. Thứ ba, nếu bạn can thiệp, thì sẽ gánh hậu quả", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay.

"Đây là thời điểm để tất cả các quốc gia cùng nhau tự khắc phục và vượt qua sự chia rẽ sâu sắc nhất trong nước. Trước khi đi rao giảng cho nước khác, Mỹ nên tập trung vào các vấn đề trong nước của chính họ", bà Maria Zakharova cho biết thêm.

Bình luận của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, bày tỏ mối quan tâm của Washington với các thông tin về sự bất thường có thể xảy ra trong cuộc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp của Nga.

Trước đó, bà Morgan Ortagus cho biết, Mỹ “gặp rắc rối với các báo cáo về các nỗ lực của chính phủ Nga nhằm thao túng kết quả trưng cầu dân ý gần đây về sửa đổi Hiến pháp, trong đó có các thông tin về sự ép buộc đối với cử tri và hạn chế những người quan sát độc lập về việc bỏ phiếu".

Theo bà Morgan Ortagus, Washington "đặc biệt quan tâm đến một điều khoản trong các sửa đổi Hiến pháp có khả năng cho phép Tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036".

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) hôm 2-7 cho biết, sau khi 100% số phiếu được kiểm, kết quả cho thấy đa số cử tri Nga bày tỏ ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp trong cuộc bỏ phiếu diễn ra từ ngày 25-6 đến ngày 1-7 trên toàn nước Nga.

Theo luật pháp Nga, khi có trên 50% tổng số cử tri bỏ phiếu tán thành những sửa đổi, các thay đổi mới trong Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực kể từ ngày công bố kết quả bầu cử chính thức. 

Sau khi bản Hiến pháp này có hiệu lực, sẽ không tính số nhiệm kỳ đối với những người đã và đang là Tổng thống Nga. Do đó, với Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống Putin sẽ có cơ hội cầm quyền đến năm 2036 sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024. 

Theo các chuyên gia, không có bất thường lớn nào diễn ra trong cuộc bỏ phiếu, điều này được chứng minh là minh bạch. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova chỉ ra rằng, không có báo cáo về sự bất thường trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, đòi hỏi CEC phải chú ý.