Nga, Trung Quốc "tẩy chay" đồng USD, tăng cường trao đổi bằng đồng nội tệ

ANTD.VN - Vì tương lai của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa chắc chắn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka từ ngày 28 đến hết 29-6, Trung Quốc và Nga tiếp tục đi đầu trong việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương và tăng dự trữ vàng. Trong chuyến thăm Nga mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nước đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc mở rộng sử dụng đồng rúp và NDT trong trao đổi thương mại, qua đó, góp phần khiến vị thế đồng USD ngày càng bị suy giảm.  

Vị thế đồng USD suy giảm

Tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ XXI. Tổng tượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong bảng cân đối của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Vào tháng 4-2019, Vương quốc Anh - đồng minh thân cận của Mỹ, đã lọt vào danh sách các quốc gia bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ với số lượng lớn kỷ lục. Tại sao thế giới đang thoát khỏi đồng bạc xanh?

Năm 2018, tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống còn 61,7%, mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Báo cáo tháng 6-2019 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ghi nhận rằng, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới, nhưng vị thế thống trị của đồng bạc xanh bị lung lay đáng kể. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi tỷ lệ đồng USD trong các ngân hàng trung ương tăng tối đa, hiện tỷ lệ này giảm nghiêm trọng.

Trong những năm tới, đồng USD sẽ phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công làm suy yếu vị thế độc tôn của nó

Các nền kinh tế Argentina, Trung Quốc, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bán gần 200 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm 2018. Một số nước cần đến tiền mặt để ổn định tiền tệ của họ, trong khi các nước khác thoát khỏi tài sản của Mỹ vì có mâu thuẫn với Washington.

Theo thống kê mới nhất, Mỹ đang tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại 1/10 quốc gia trên thế giới với tổng dân số khoảng 2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế này là hơn 15.000 tỷ USD. Đó là Nga, Iran, Venezuela, Cuba, Sudan, Zimbabwe, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Triều Tiên và những nước mà Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt trong nhiều năm. Bên cạnh đó là các nước như Trung Quốc, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia mặc dù không bị trừng phạt toàn diện, nhưng đang là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt kinh tế khác.

Nga-Trung đi tiên phong, có sự ủng hộ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để từ bỏ đồng USD trong giao dịch thương mại

Gần đây, dường như các biện pháp trừng phạt trên của Mỹ đang khiến tất cả những quốc gia này liên kết lại để xây dựng một hệ thống tài chính song song nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ. Nếu họ thành công, vị thế độc tôn của Mỹ đối với hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi. Vị thế của Mỹ có được không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và hệ thống liên minh mà còn do sự kiểm soát của nước này đối với tài chính toàn cầu và đặc biệt là sự chấp nhận rộng rãi của đồng USD như đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới.

Tờ Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định, mục tiêu của nhiều quốc gia là giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, hầu hết mọi thứ đã được bán gần hết.

Gần đây xuất hiện một xu hướng mới: các nước phát triển, bao gồm các đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng bắt đầu giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Ví dụ, Vương quốc Anh hồi tháng 4 đã giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ xuống còn 16,3 tỷ USD.

Trung Quốc đi đầu cuộc chiến

Nhìn chung, Trung Quốc - chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ (nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ) hiện dẫn đầu xu thế này. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Bắc Kinh đã giảm 60 tỷ USD lượng năm giữ trái phiếu Mỹ trong vòng 1 năm qua, và hồi tháng 4-2019 đã bán thêm 20 tỷ USD, đưa mức nắm giữ xuống thấp nhất trong 2 năm qua. Nhật Bản - chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ cũng tiếp bước Trung Quốc khi bán tới 11,07 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 4 vừa qua.

Nhiều quốc gia đang muốn thách thức hệ thống trái phiếu của Mỹ vì coi đây là mối đe dọa đối với chủ quyền kinh tế của họ. (Nguồn. Reuters)

Một số chuyên gia lo ngại rằng, Trung Quốc có thể ra khỏi danh sách các chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích nhìn chung nhận định, kịch bản này khó có thể xảy ra, sự mất giá mạnh của trái phiếu Mỹ không thể tránh khỏi trường hợp này. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ và toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, tờ Bloomberg chỉ ra rằng, Bắc Kinh bất cứ lúc nào cũng có thể giảm đầu tư vài chục tỷ USD vào các tài sản của Mỹ nhằm hỗ trợ cho đồng NDT.

Nga đứng ngay phía sau

Nga được coi là một trong những nước bán trái phiếu Mỹ tích cực nhất. Trong năm 2010, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong Ngân hàng Trung ương Nga đã vượt 176 tỷ USD. kể từ năm 2014, khi Washington gia tăng áp lực lên Nga, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ và đến đầu năm 2019 lượng nắm giữ đã giảm xuống 14 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Mỹ, vào tháng 4-2019, Nga đã bán lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 1,6 tỷ USD. Bây giờ, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ là 12,13 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Hầu như tất cả số tiền thu được từ việc bán đồng USD, Ngân hàng Trung ương Nga đã chi cho các trái phiếu bằng đồng euro và NDT.

Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi tương mại bằng đồng nội tệ, phát triển các phiên bản riêng của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), mạng lưới toàn cầu cho phép giao dịch tài chính xuyên biên giới giữa các ngân hàng.

Báo cáo gần đây của ECB cho biết tỷ lệ đồng euro trong dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng lên 39%, trong khi tỷ lệ đồng USD giảm xuống 27% bà đồng NDT tăng lên 17%.

Ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng đã có các động thái tương tự. Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đang xuất hiện xu hướng toàn cầu: "Các ngân hàng trung ương toàn cầu đều tăng sở hựu các loại tiền tệ khác, và tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã sụt giảm".

Trong khi thoát khỏi đồng USD, các quốc gia đang gia tăng dự trữ vàng. Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), khối lượng kim loại quý này trên bản quyết toán của các ngân hàng trung ương đã tăng 651 tấn trong năm qua, con số cao nhất kể từ năm 1971, khi Mỹ từ bỏ tiêu chuẩn vàng. Gần 1/2 số vàng này đã được Ngân hàng Trung ương Nga mua.

Bloomberg lưu ý, Nga đã nhanh chóng đạt được kết quả trong nỗ lực đa dạng hóa cơ cấu dự trữ vàng và ngoại hối, giảm tỷ lệ trái phiếu kho bạc Mỹ, Hiện tổng lượng vàng dự trữ của Nga là 2.112 tấn, trị giá xấp xỉ 87 tỷ USD. Đây là kỷ lục trong lịch sử Xô Viết. Trong 10 năm qua, tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng từ 3,5% lên 18,6%.

Nước mua vàng lớn thứ 2 là Trung Quốc với lượng vàng dự trữ là 1.853 tấn, trị giá khoảng 76 tỷ USD. Cuối năm 2018, sau gián đoạn hơn 2 năm, Bắc Kinh đã tăng cường mua vàng, điều này khiến giá vàng tăng vọt vượt 1.300 USD/ounce.

Giới phân tích giải thích rằng, vàng cũng là loại tiền tệ an toàn trong trường hợp Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Trung Quốc và Nga nhận thức rõ rằng, Mỹ rất khó để trả nợ cho các chủ nợ, do đó, việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ là vô ích. Bên cạnh đó, rất có thể xảy ra sự sụp đổ của thị trường nợ Mỹ, vì vậy, Nga và Trung Quốc muốn đầu tư vàng.