Nga - Trung Quốc: Cùng có lợi, nhưng thiếu bền vững

ANTĐ - Trong cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Putin đã khiến mọi người không khỏi tò mò khi tặng ông Tập một chiếc điện thoại thông minh 2 màn hình do Nga sản xuất mang thương hiệu YotaPhone 2. Theo dự kiến phải tới tháng 12, lễ ra mắt chính thức của mẫu điện thoại này mới được tổ chức. 

Nga - Trung Quốc: Cùng có lợi, nhưng thiếu bền vững ảnh 1

Việc tặng một chiếc điện thoại sắp ra mắt cho ông Tập Cận Bình đang được đánh giá là một chiến lược tiếp thị kinh tế - chính trị lạ của Nga. Trung Quốc là một đất nước có hơn 1,3 tỷ dân, một thị trường rộng lớn như thế là mơ ước của bất cứ đại gia công nghệ nào. Quan trọng hơn, trong bối cảnh những rạn nứt trong quan hệ Nga-Mỹ được đánh giá ở mức cao chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đang khiến Nga “cần đến” Trung Quốc trong thái độ ứng phó đối với Mỹ và các vấn đề năng lượng. Đây chính là nền tảng cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.

Martin Jacques, tác giả của cuốn sách bán chạy toàn cầu “Khi nào Trung Quốc thống trị thế giới” nói với hãng tin RIA Novosti: “Thực tế Nga là nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng chủ chốt và Trung Quốc khá nghèo nàn về tài nguyên, vì vậy hai nước có lợi ích đối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.”  Tại Bắc Kinh vừa qua, 2 nước đã thảo luận một số vấn đề song phương và ký 17 tài liệu, bao gồm bản ghi nhớ về việc Nga sẽ cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống phía Tây. Hiện Trung Quốc có hơn 4000 tỷ USD dự trữ ngoại hối và việc Bắc Kinh đầu tư vào đâu đều có khả năng ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Trung Quốc đang có rất nhiều dự án đầu tư tại Nga, đồng thời sở hữu lượng lớn trái phiếu, tài sản hoán đổi... Đến thời điểm kinh tế Nga hồi phục và nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng, khi đó giá cả năng lượng cũng sẽ tăng và đi kèm theo đó là lợi nhuận của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Nga.

Mặt khác, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây nhằm chống lại Nga. Nga không chỉ là một đối tác quan trọng trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), mà Bắc Kinh và Moskva đang có nhiều lợi ích kinh tế chung quan trọng tại Trung Á và các khu vực khác trên thế giới. Thỏa thuận khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ USD mà hai nước mới ký kết chính là hình ảnh tiêu biểu của mối quan hệ chiến lược này. Nếu như trước đây việc Nga và Trung Quốc còn tính toán thiệt hơn thì hiện nay đã được thông qua một cách nhanh chóng. Trong quan hệ “có đi có lại” này, Nga đã giải được cơn khát năng lượng cho Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng “cứu” nền kinh tế Nga trước các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Để thực hiện hợp đồng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia”, Nga đầu tư 55 tỷ USD và Trung Quốc đầu tư 22 tỷ USD. Tuyến đường ống dẫn khí này sẽ nối từ tây Siberia đến cảng Thái Bình Dương Vladivostok, vào phía Đông Bắc của Trung Quốc. Đây là tuyến đường ống năng lượng thứ hai được xây dựng hướng về phía Đông, được mệnh danh là “đường tới phương Đông”. Trước đó, Nga đã xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu “Đông Siberia - Thái Bình Dương” (ESPO) để bán năng lượng cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác thông qua tàu chở dầu.

Hai nước cũng được hưởng lợi từ việc tiếp tục phát triển thương mại song phương vốn đạt mức 83 tỷ USD năm ngoái và khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Bởi vậy có thể thấy, quan hệ đối tác Nga - Trung Quốc hoạt động dựa trên nguyên tắc về lợi ích chung. Hai bên đều có lợi ích từ sự hợp tác ổn định và những động lực khác nhau từ việc theo đuổi hợp tác chung có thể che đậy bằng những thủ thuật thông qua những tuyên bố khoa trương về các vấn đề thế giới và những thỏa thuận khung hỗn hợp, cũng như các bản ghi nhớ hiểu biết lẫn nhau.

Kể từ năm 2013, hai nước Nga - Trung đã nhận ra những lợi ích to lớn của quan hệ song phương, không chỉ về kinh tế thuần túy mà còn là lợi ích an ninh - quân sự trong thế cân bằng chiến lược toàn cầu và sự vận động trong cấu trúc an ninh quốc tế, trong bối cảnh Mỹ đang vượt trội về vũ khí thông thường, với dự án “Tấn công toàn cầu tức thì” và chiến lược “Đông tiến” của NATO.

Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác này có phần thiếu bền vững. Cả cuộc khủng hoảng Crimea lẫn phản ứng của phương Tây cũng có làm Bắc Kinh thêm lo lắng. Do những quan ngại lâu nay về các phong trào ly khai tại Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, Trung Quốc không muốn việc Nga sáp nhập Crimea trở thành một tiền lệ nữa của việc phân tách lãnh thổ. Với tình hình của mình, Trung Quốc hẳn không muốn khuyến khích chủ nghĩa ly khai lan tràn trong hệ thống quốc tế. 

Về phần mình, nước Nga nếu không hành động ngay từ bây giờ, miền Đông nước Nga mênh mông rộng lớn và giàu tài nguyên có nguy cơ rơi vào vòng tay của Trung Quốc, như tiên đoán của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Thực ra, hiện tượng người Trung Quốc di cư ồ ạt vào Viễn Đông Nga vẫn tiếp diễn gần 20 năm qua. Theo dữ liệu của các chuyên gia độc lập, đã có gần 100.000 người Trung Quốc chuyển đến định cư luôn ở Nga, chưa kể đến số lao động nhập cư. Thậm chí một số chuyên gia đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể lặp lại “kịch bản Crimea” ở Nga do người Trung Quốc “thống trị” ở miền Viễn Đông.

Những gì thể hiện ra ngoài trong quan hệ “đối tác chiến lược” Nga - Trung Quốc chỉ được thể hiện ra bên ngoài tốt đẹp, còn bên trong đang có những bất đồng thực sự giữa Nga - Trung Quốc. Nga và Trung Quốc có sự khác biệt cơ bản về quan điểm trong các vấn đề quốc tế và những điều họ mong muốn ở nhau. Quan hệ Nga - Trung Quốc không phải là một liên minh cũng không chính xác là một đối tác chiến lược. Đây là một quan hệ đối tác có giới hạn được duy trì bởi sự hiểu biết lẫn nhau và nếu xảy ra sự bất cân đối về lợi ích thì sẽ cần tới sự khôn ngoan của mỗi nước để điều chỉnh những khác biệt.