Nga sẵn sàng đẩy lùi các cuộc tấn công của Mỹ nhưng sẽ không là bên khai hỏa

ANTD.VN - Dẫn nguồn tin của Sputnik, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga đã sẵn sàng đối phó với những nỗ lực gây bất ổn tình hình của Mỹ nhưng sẽ không triển khai tên lửa ở bất cứ đâu cho đến khi Mỹ thực hiện bước tương tự.

"Tổng thống Vladimir Putin đã nói, chúng ta hướng đến trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu, vì thế chúng tai đã triển khai các hoạt động khoa học, nghiên cứu và phát triển để tạo ra tên lửa tầm trung để có thể đẩy lùi tên lửa của Mỹ, việc sản xuất đang ở giai đoạn tiến triển , " Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trước Hạ viện Nga.

Các binh sĩ đang quan sát một tên lửa Patriot của Mỹ được dỡ xuống ở một đơn vị quân đội Ba Lan tại Morag, miền bắc Ba Lan

Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng, Nga "sẽ không triển khai các đơn vị tên lửa ở bất cứ đâu cho đến khi Mỹ làm điều đó".

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau phát biểu ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện Nga rằng, Moscow sẽ tăng cường lực lượng quân sự tại biên giới phía tây của đất nước này như một biện pháp trả đũa cho việc Mỹ đưa quân đến Ba Lan. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ trả đũa nếu phải đối mặt với một cuộc tấn công từ lãnh thổ Ba Lan.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thống nhất thành lập phi đội trinh sát máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ ở Ba Lan và đồn trú thêm 1.000 lính Mỹ. Những hoạt động này dự kiến nhận được hỗ trợ tài chính từ phía Warsaw.

Gần đây, một số suy đoán về việc Mỹ  có kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự ở Ba Lan xuất hiện khi chính quyền Ba Lan đã viện dẫn mối đe dọa từ Nga là một trong những lý do cho việc bổ sung thêm quân lực và khí tài. Về phần mình, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ thành viên NATO nào. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, NATO nhận thức rõ Moscow không có kế hoạch tấn công bất cứ nước nào và việc gọi Nga là “mối đe dọa” chỉ là cái cớ để triển khai thêm quân đội gần biên giới Nga.

Hôm thứ ba, tại phiên họp toàn thể, Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) đã thông qua dự luật đình chỉ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung Nga-Mỹ (INF). “Thượng viện Nga sẽ thảo luận về dự luật này vào ngày 26 tháng 6 và các nhà lập pháp có thể sẽ có bỏ phiếu ủng hộ”, nhà lập pháp cấp cao của Nga Sergei Tsekov cho biết.

Mỹ đã tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Mỹ trong Hiệp ước INF từ ngày 2.2.2019, và Washington quyết tâm rút khỏi INF trong vòng 6 tháng trừ khi Nga trở lại tuân thủ "một cách thực tế và có kiểm chứng" sau khi đưa ra cáo buộc cáo buộc tên lửa 9M729 của Nga vi phạm Hiệp ước INF.

 Nga đã phủ nhận các cáo buộc từ phía Mỹ, đồng thời tuyên bố những lời cáo buộc trên đều chỉ dựa trên "thông tin tình báo thêu dệt" của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo không gian địa lý (NGA) và rằng chính Washington đã vi phạm thỏa thuận ký năm 1987. Và trong một động thái đáp trả, ngày 4 tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký vào sắc lệnh về việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước INF.