Nga rút bớt quân, chính quyền Syria vẫn sẽ vững vàng

ANTD.VN - Theo giới phân tích, bất kể việc Nga giảm bớt lực lượng ở Syria, hiện thế và lực của quân đội Syria đã mạnh hơn nhiều, nên vị thế của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ được giữ vững.

Nga dự tính rút bớt lực lượng ở Syria về nước

Ngày 30/10, tờ Kommersant của Nga, dẫn nguồn tin ngoại giao quân sự cho biết, Tổng thống Vladimir Putin có thể rút một số lực lượng quân sự từ Syria về nước, bởi hiện nay, các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã kiểm soát khoảng 95% lãnh thổ Syria.

Nguồn tin tiết lộ, ông Putin đã được trình bày về vấn đề này. Tuy nhiên, người phát ngôn của Kremlin là ông Dmitry Peskov nói rằng, "những quyết định như vậy không được thông báo trước" và Bộ Quốc phòng hiện nay vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm các đơn vị không quân tại Syria.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các chiến dịch thành công của quân đội Ảrập Syria (SAA) đối với các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận al-Nusra (nay đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham, hiện đang lãnh đạo Liên minh khủng bố Jabhat Fatah al-Sham-HTS) có thể là lý do để thu hẹp quy mô các đơn vị hàng không Nga tại Syria.

Sau 2 đợt rút máy bay vào tháng 3 và và tháng 12/2016, Nga hiện còn duy trì hàng chục máy bay chiến đấu các loại, bao gồm các máy bay cường kích và tiêm kích bom như Su-25SM, Su-24M và Su-34; cùng với máy bay tiêm kích đa năng MiG-29SMT, Su-30SM và Su-35C.

Ngoài ra, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) cũng duy trì ở Syria một phi đội máy bay trực thăng tấn công và trực thăng vận tải rất lớn, bao gồm các loại rất hiện đại như: Ka-52, Mi-28N, Mi-35M, Mi-24P, Mi-8AMTS và Mi-171.

Hiện vẫn chưa có thông tin về những loại máy bay và số lượng cụ thể được điều động trở về đơn vị đồn trú cũ, tuy nhiên, 2 lần giảm quân trước đã cho thấy, số lượng máy bay đóng tại căn cứ không quân Nga ở Hmeymim (Latakia) mỗi lần giảm gần một nửa.

Nếu kế hoạch này được phê duyệt, sẽ chỉ có lực lượng cảnh sát quân sự, cố vấn quân sự; cùng với một phần máy bay và đội ngũ nhân viên bảo đảm kỹ thuật, bảo vệ an ninh ở các căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus (đều thuộc Latakia) là còn hiện diện ở Syria.

Kommersant dẫn lời các chuyên gia Nga cho rằng, những chiếc máy bay có giá trị nhất có khả năng sẽ được rút về nước và những chiếc cũ như Su-24 sẽ ở lại vì chúng rất hiệu quả ở chiến trường này. Ngoài ra, các máy bay không người lái cũng sẽ được giữ lại.

Các đơn vị hỗn hợp của Nga có thể được tái cấu trúc, nhưng các hệ thống phòng không bao gồm S-400, S-350… sẽ vẫn được để lại. Trọng tâm lực lượng sẽ được điều chỉnh phù hợp với phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria từ các biện pháp quân sự sang các giải pháp chính trị.

Nga đang giảm dần sự hiện diện quân sự ở Syria

Chính quyền Syria sẽ ra sao? 

Trước những câu hỏi rằng, sau khi Nga rút bớt lực lượng khỏi Syria lần thứ 3, trong bối cảnh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa quân vào lãnh thổ Syria, liệu chính quyền của ông Assad ra sao? - Giới phân tích cho rằng, chính quyền của vị tổng thống này vẫn sẽ bền vững. 

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng, chiến dịch chống khủng bố của Nga “sắp kết thúc”, bởi IS hiện chỉ còn kiểm soát chưa tới 5% lãnh thổ Syria (trước khi bắt đầu hoạt động của Nga vào tháng 9/2015, chúng đã kiểm soát tới 70%), các tổ chức khủng bố và phiến quân đối lập khác cũng chỉ kiểm soát được diện tích không lớn ở Syria.

Qua hơn 2 năm được các cố vấn Nga trực tiếp huấn luyện và tái trang bị, cùng với những kinh nghiệm xương máu trên chiến trường, hiện thế và lực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và SAA đã mạnh lên rất nhiều so với thời điểm Moscow bắt đầu tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria (ngày 30/9/2015).

Nếu không có sự can thiệp quân sự trực tiếp từ nước ngoài (ví dụ như quân đội Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp tham chiến) thì sẽ không có lực lượng khủng bố hay đối lập nào đánh bại được SAA.

Ngoài ra, việc IS lụi tàn cũng sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ phải giảm bớt can thiệp quân sự vào Syria, bởi Washington sẽ không có lí do hợp pháp để hiện diện quân sự trên đất nước này, không còn khả năng “ném bom nhầm” từ IS sang Quân đội Syria.

Tuy nhiên, Syria cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước khi có sự hiện diện quân sự của nước ngoài, bởi trong giai đoạn bị cô lập về chính trị và trừng phạt về kinh tế, Nga sẽ tránh khả năng đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, trong giai đoạn này, các biện pháp quân sự sẽ chỉ là yếu tố phụ trợ, để tìm kiếm lợi thế cho các biện pháp chính trị và ngoại giao. Cùng với sự chuyển hướng sang giải pháp chính trị, vị thế của chính quyền Damascus cũng sẽ dần tăng lên, còn Nga sẽ lùi vào “hậu trường” để tiếp tục chi phối tiến trình hiệp thương chính trị ở Syria.