Nga lo ngại phần tử cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine câu kết phá hoại Crimea

ANTĐ - Các quan chức và nghị sĩ Nga đang lo ngại khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine sẽ dung túng cho các phần tử cực đoan 2 nước câu kết với nhau, phá hoại cuộc sống bình yên ở Crimea.

Đường dây điện đến Crimea tiếp tục bị phá hoại

Ngày 3-1 vừa qua, phát biểu trên làn sóng điện của chương trình “Thời sự Nga”, Thượng nghị sĩ Nga Igor Morozov - thành viên Ủy ban Hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế đã bày tỏ sự e ngại về nguy cơ khủng bố do nước này vừa hủy quy chế miễn visa với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cụ thể, ông Morozov lo ngại về nguy cơ gia tăng tấn công khủng bố và đánh bom ở Crimea, và cho rằng, sẽ không chỉ xuất hiện những vụ nổ và tấn công vào đường dây tải điện ở Ukraine, mà sự cố có nguy cơ xuất hiện cả trên biên giới với Nga ở khu vực Crimea.

Theo nhận định của ông, Ankara đã có những hành động ủng hộ các lực lượng cực đoan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không giấu "tham vọng đế chế Ottoman".

Tuyên bố của ông Igor Morozov được đưa ra sau khi xảy một vụ nổ mới ở Ukraine, phá hủy đường cấp điện cho Crimea, khiến nhiều khu vực của Crimea chìm trong bóng tối. Hồi cuối tháng 11-2015, một vụ phá hoại tương tự đã diễn ra làm gián đoạn nguồn năng lượng cấp cho bán đảo này.

Về phía mình, cảnh sát Ukraine ngày 3-1 cho hay, một vụ nổ chưa rõ nguyên nhân đã khiến cho chiếc cột điện cao thế bị đổ, làm hư hại hệ thống đường dây điện cao áp duy nhất cung cấp điện cho Crimea, khiến hơn 1 triệu người trong số 1,9 triệu cư dân ở Crimea bị ảnh hưởng từ vụ cắt điện nói trên.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đang vô cùng căng thẳng sau vụ bắn rơi Su-24 và các cáo buộc Ankara “đi đêm” với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo

Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov tố cáo vụ nổ mới nhất là một “hành động tấn công khủng bố”, song các buổi lễ mừng năm mới tại đây không bị gián đoạn, do Nga đã đưa vào sử dụng 2 tuyến đường điện chạy ngầm dưới đáy biển, ở khu vực eo biển Kerch.

Được biết, mặc dù đã sáp nhập vào Nga từ tháng 3-2014, hiện Crimea vẫn phải phụ thuộc chặt chẽ vào Ukraine ở các hệ thống cung cấp điện và nước. Do đó, Kiev đã liên tục gây sức ép với bán đảo này bằng cách thi thoảng lại cắt điện hoặc chặn nguồn nước ngọt hay chặn đường cung cấp hàng hóa đến Crimea.

Vào đầu tháng 12-2015, Nga thông báo ra mắt hệ thống cáp điện mới dưới biển dành cho Crimea, giúp giảm sự phụ thuộc của bán đảo này vào Ukraine. Song đường dây này chưa thể cung cấp đủ nguồn điện năng phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên bán đảo.

Phần tử cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine câu kết phá hoại Crimea?

Hồi cuối tháng 12-2015, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho tiểu đoàn tình nguyện Ukraine mang tên Noman Celebicihan vừa được thành lập, có quân số khoảng 560 người, gồm nhiều thành viên là người Tatar Crimea lưu vong.

Tiểu đoàn này đến ngày 15-1-2016 sẽ được chính quyền Kiev cấp phiên hiệu như một đơn vị quân đội để "lách luật", bảo đảm không vi phạm thỏa thuận Minsk 2.

Người thiểu số Tatar gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sống yên bình ở Crimea

Mục đích hoạt động của tiểu đoàn Tatar là "bảo vệ Crimea ngay trong lòng bán đảo", phong tỏa đường bộ, đường biển và đường không đối với Crimea. Nếu thấy cần thiết, lực lượng này sẵn sàng sử dụng các tàu nhỏ để tấn công các tàu lớn chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đến bán đảo này.

Được biết, tiểu đoàn Noman Celebicihan sẽ nhận được sự hỗ trợ đắc lực của cánh chính trị người Tatar Crimea lưu vong chuẩn bị được thành lập, với khẩu hiệu tuyên truyền là “Trở lại Crimea”.

Trong tháng này, Đại hội quốc tế người Tatar gốc Crimea lưu vong sẽ được tổ chức ở Chonga, thuộc vùng Kherson của Ukraine, với sự tham dự của các đại diện đến từ 43 nước khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ…

Và chắc chắn một điều là ngoài sự ủng hộ của chính quyền Kiev, lực lượng này cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của chính quyền Ankara, sau khi quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nghiêm trọng, do những hệ lụy từ vụ máy bay Su-24 bị F-16 bắn rơi.

Dấu hiệu đáng lo ngại nhất đã xuất hiện khi các thành viên cực đoan thuộc đảng Phong trào Dân tộc cực hữu “Sói Xám” (Grey Wolves) - một cánh của đảng Phong trào Dân tộc (MHP) cực hữu của Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức theo phương châm chủ nghĩa phát xít mới, đã sang hỗ trợ chính quyền Kiev.

Các quan chức Nga cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy, chính quyền Ukraine đang nhận viện binh từ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ sự lo ngại rằng, ngoài hoạt động phong tỏa, lực lượng Tatar Crimea lưu vong sẽ tiến hành cả các hoạt động phá hoại trên bán đảo trong thời gian tới.

Nga đã lên tiếng tố cáo sự việc này là cú “đâm sau lưng” tiếp theo, vạch trần "bộ mặt thật bẩn thỉu" của chính quyền Erdogan, đồng thời cảnh báo Ankara sẽ phải nhận những "hậu quả rất xấu" nếu hỗ trợ các hoạt động chống phá Nga của Ukraine.

Ông Lenur Islyamov - một nhà lãnh đạo của phong trào phong tỏa Crimea (giữa) chụp ảnh với 3 thành viên của "Sói Xám" (giơ tay làm ký hiệu đầu sói) 

“Sói Xám” là một tổ chức vô cùng cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ, được thành lập từ những năm 1960. Nó được coi là có tiêu chí và phương thức hoạt động tương tự như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

“Sói Xám” đồng thời cũng là tổ chức đang lãnh đạo lữ đoàn Turkmen Syria - những kẻ đã bắn chết viên phi công Nga Oleg Peshkov, khi anh này nhảy dù khỏi chiếc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở Syria hôm 24-11.

Tổ chức này bị coi là luôn kỳ vọng Ankara sẽ khôi phục lại đường biên giới xuyên châu lục như dưới thời Đế chế Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thống trị trong khu vực.

Do có cùng “ý chí và nguyện vọng”, nên mặc dù không ưa gì “Sói xám” và liệt tổ chức này vào danh sách “lực lượng đối lập”, nhưng chính quyền Erdogan luôn sẵn sàng sử dụng chúng trong cuộc chiến chống lại người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Do đó, sự tham dự của tổ chức khủng bố khét tiếng tàn ác của nước này ở miền nam Ukraine, giáp với Crimea được các quan chức và chính khách Nga cho là dấu hiệu hết sức nguy hiểm.