Nga không chạy đua vũ trang với NATO

ANTĐ - Theo hãng AP, ngày 30-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ đáp trả việc tăng cường hiện diện quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Moscow sẽ không bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang đầy tốn kém.

Ông Putin cho rằng NATO đã gia tăng ý đồ chống Nga bằng cách triển khai các lực lượng ở Ba Lan và vùng Baltic cũng như thiết lập các khu vực phòng thủ tên lửa. Lời cáo buộc của ông Putin được cụ thể hóa bằng những con số được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu tại phiên họp cùng các tư lệnh quân sự cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm 29-6.

“Hiện tại NATO và Mỹ đã triển khai khoảng 1.200 thiết bị quân sự, trong đó có 30 máy bay chiến đấu và hơn 1.000 binh lính trên lãnh thổ các nước Đông Âu theo quy trình luân phiên. Các tàu của Hải quân Mỹ và các tàu chiến của các nước thành viên NATO vẫn đều đặn tiến vào biển Baltic và biển Đen”, RT dẫn lời Bộ trưởng Sergey Shoigu.

Cũng theo ông Shoigu, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) tại Đông Âu gây quan ngại đặc biệt cho quân đội Nga. “Ngày 12-5, tổ hợp phòng thủ chống tên lửa Aegis đã bắt đầu đi vào hoạt động ở Romania”, ông Shoigu cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng tổ hợp này có thể được sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk và NATO vẫn đang tiếp tục xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa nữa ở Ba Lan.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng, sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan), dự kiến diễn ra trong 2 ngày 8, 9 tháng 7 tới, khối này có thể gia tăng đáng kể sự hiện diện và hoạt động áp sát biên giới Nga. “Mỹ và các quốc gia thành viên khác của NATO tiếp tục xây dựng tiềm lực quân sự của họ ở những quốc gia láng giềng với Nga.

Những hành động như vậy của các đồng nghiệp phương Tây sẽ đe dọa tới sự ổn định của châu Âu và buộc chúng ta phải thực hiện các biện pháp đáp trả mà trước hết là theo hướng chiến lược phía Tây”, ông Shoigu nói. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng những hành động của Nga tại quân khu phía tây nhằm “trung lập mối đe dọa tiềm tàng” đến từ các quốc gia bên ngoài.

Theo đó, trong năm nay, hơn 2.000 loại thiết bị quân sự mới hoặc đã nâng cấp sẽ được đưa vào hoạt động trong các đơn vị của quân khu phía tây trong kế hoạch đáp trả của Nga. Ngoài ra, 10.000 binh lính hợp đồng đã được tuyển vào lực lượng vũ trang. Cùng với đó, việc xây dựng 10 đơn vị đồn trú hiện đại cho binh lính cũng sắp hoàn tất. Một quân đoàn mới cũng đã được thiết lập trong Hạm đội Baltic của Nga hồi tháng 4. Trong vòng 3 năm qua, Hạm đội Baltic đã tiếp nhận 2 tàu chiến cùng nhiều hệ thống phòng không và phóng rocket.

Theo ông Shogui, Nga gần đây cũng tăng cường các cuộc tập trận quân sự trên thực địa. Theo đó, hơn 300 cuộc tập trận đã được triển khai vào mùa đông năm ngoái và các lực lượng Nga đã vận dụng chính những kinh nghiệm chiến đấu có được qua các chiến dịch chống khủng bố ở Syria để tham gia tập trận.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh này đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên, mà theo cách nói của Tổng thống Putin “Nga sẽ tự bảo vệ mình mà không cần tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”.