Nga giúp Iran xây dựng vệ tinh giám sát mặt đất

ANTĐ - 2 công ty về không gian vũ trụ của Nga vừa kí thoả thuận hợp tác với một doanh nghiệp của Iran, nhằm tạo ra một hệ thống vệ tinh giám sát cho nước này.

Theo thoả thuận được kí, các công ty Nga sẽ giúp Iran xây dựng hệ thống vệ tinh cảm biến từ xa để dành cho việc thu thập thông tin về bề mặt trái đát, khí quyển và đại dương.

Công ty Nga NPK BARL sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và cơ sở hạ tầng mặt đất, trong khi công ty VNIIEM sẽ chế tạo và phóng vệ tinh. Tập đoàn Bonyan Danesh Shargh của Iran sẽ là đơn vị điều hành cơ sở này.

Nga sẽ giúp Iran xây dựng vệ tinh giám sát mặt đất

“Thoả thuận này nhằm tạo ra một hệ thống vệ tinh cảm biến điều khiển từ mặt đất dựa theo phiên bản nâng cấp của vệ tinh giám sát Kanopus-V1”, giám đốc của VNIIEM, ông Leonid Makridenko nói với hãng tin RIA Novosti.

Thoả thuận này được kí với sự có mặt của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và giám đốc điều hành công ty Roscosmos, Igor Komarov.
Đây không phải là dự án hợp tác khoa học công nghệ đầu tiên của Nga và Iran. Nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Iran - Bushehr đã được hoàn thành bởi các thiết bị và công nghệ từ Nga.

Chương trình không gian vũ trụ của Iran đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Vệ tinh đầu tiên của Iran, Sina-1 đã được phóng vào năm 2005 ở khu nghiên cứu Plesetsk, Nga. 4 năm sau, Tehran tiếp tục phóng đi vệ tinh thứ 2 từ một khu vực nằm trên lãnh thổ Iran. Từ năm 2010 đến 2013, Iran khẳng định đã phóng được các tên lửa có mang theo các động vật như chuột, rùa và sâu, khỉ, lên vũ trụ, sau đó trở về an toàn.