Nga đưa quân đội, vũ khí, chuẩn bị cuộc chiến tranh giành “miếng bánh Bắc cực”

ANTĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi quân đội và máy bay phản lực tới Bắc cực, nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến băng giá tranh giành “miếng bánh ngọt màu mỡ” này.

Yaya là một hòn đảo rất nhỏ ở Bắc cực, hầu như không một mét đất nào trên mực nước biển, chỉ rộng khoảng 500 mét vuông và được phi công Nga phát hiện ra vào đầu tháng 10-2014. Với sự hiện diện của con tàu nghiên cứu hải dương Admiral Vladimirsky ở biển Laptev, Yaya sẽ sớm được thêm vào bản đồ của Bắc Băng dương và sẽ trở thành một phần lãnh thổ Nga.

Với quyết tâm để bảo vệ lợi ích quốc gia trong “miếng bánh ngọt” này, Nga không còn ngần ngại “đánh dấu lãnh thổ” bằng việc cắm một lá cờ Nga, trên một mỏ titan sâu 4.200 mét dưới Bắc cực từ năm 2007. Và bây giờ, Moscow lại đang triển khai một quy mô quân sự lớn ở đây, cạnh tranh cùng với 4 nước láng giềng (Canada, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch) cũng đang thèm muốn sở hữu nguồn tài nguyên quý giá của Bắc cực.

 

Với nguồn tài nguyên phong phú cùng thuận lợi về hàng hải, Bắc cực đang trở thành điểm nóng của thế giới

Theo hãng tin RIA Novosti, các căn cứ từ thời Liên xô đang được kích hoạt trở lại, nhằm đối phó với sự quan tâm của NATO trong khu vực. Các nhà chức trách cho biết, đường băng trên đảo Novaya Zemlya, phía tây của Nga, bây giờ có thế chứa được máy bay chiến đấu và một phần Hạm đội phía Bắc của Nga.

Một nhóm quân sự mới sẽ được thành lập ở phía bắc bao gồm hai lữ đoàn, với tổng cộng 6.000 binh sĩ, được triển khai trong khu vực Murmansk và sau đó là khu vực tự trị Yamal-Nenets. Các hệ thống radar và hướng dẫn mặt đất cũng được lên kế hoạch cho đảo Franz Josef Land (một phần của đảo Novaya Zemlya), đảo Wrangel và đảo Cape Schmidt. Các dịch vụ an ninh liên bang đang có kế hoạch tăng số lượng bộ đội biên phòng trên vành đai phía bắc của Nga.

Trong cuộc tập trân quy mô lớn Vostok 2014 gần đây, quân đội Nga đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir-S và hệ thống vũ khí tên lửa Iskander-M để thực hiện các bài tập chiến đấu của mình ở Bắc cực. Động thái đó có thể mang lại một cuộc chiến tranh lạnh mới, khi khu vực này thu hút sự chú ý của Mỹ và NATO, và họ tin rằng hành động của Nga là bệ phóng cho các cuộc tấn công hạt nhân trong tương lai.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia phân tích quân sự Alexander Golts cho rằng sự tích tụ quân đội và vũ khí hiện nay ở Bắc cực là vô nghĩa: “Hành động này phù hợp với lập trường của Nga, nhưng nó vẫn chỉ là một cuộc chiến mang tính biểu tượng. Hãy xem bản đồ, bạn sẽ nhận thấy 6.000 binh sĩ trải rộng trên một khu vực rộng lớn như vậy sẽ không giải quyết được điều gì”.

Trong khi đó, ông Vladimir Chuprov làm việc tại tổ chức Greenpeace Russia lại cho rằng, đó là sự đoàn kết của nhân dân Nga khi đối mặt với kẻ thù đang nhóm ngò “phần bánh” của mình, “Bắc cực là một mảnh đất để Nga thể hiện sức mạnh, và quan trọng hơn là vấn đề chính trị thế giới chứ không hoàn toàn là thuộc về kinh tế”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được các nguồn tài nguyên giàu có ở Bắc cực có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nó được ví như một “Trung Đông thứ hai”, với 17% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc… Riêng Greenland đã chiếm 10% nguồn dự trữ nước ngọt của Trái đất.

Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè. Từ châu Âu sang châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được 6.000 - 8.000 km và khoảng 2 tuần lễ cho chuyến hải hành. Cụ thể, để đi từ London đến Tokyo, hải trình sẽ chỉ còn 16.000 km, so với 21.000 km nếu đi qua kênh đào Suez hoặc 23.000 km nếu sử dụng kênh đào Panama.  

Được biết, các dự án quân sự của Nga cũng gặp phải sự chỉ trích làm ảnh hưởng đến môi trường tại Bắc cực. Hôm 11-10, Bộ Quốc phòng Nga công bố kế hoạch xây dựng trung tâm môi trường ngăn chặn ô nhiễm tại các khu vực nơi lực lượng Nga được triển khai. 

“Quân đội Nga đã có hệ thống đào tạo quân sự phù hợp với pháp luật về môi trường", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga ông Dmitry Bulgakov nói. Nhưng ông cũng cho biết điều này sẽ mất nhiều thời gian để trấn an các cường quốc phương Tây.

Trên thực tế, Bắc cực cũng là trọng tâm của tranh chấp khác. Canada cũng xem Bắc cực là một mục tiêu quân sự mang tính chiến lược và đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Cornwallis thuộc Bắc Băng dương. Hồi tháng 2, nước này đã tổ chức một đợt tập trận quy mô lớn Arctic Ram ở khu vực lạnh giá Yellowknife với sự tham gia của hải quân và không quân. Các quốc gia cận cực khác cũng không thua kém. Trong các năm 2009, 2010 Đan Mạch và Na Uy lần lượt cho lập đơn vị quân sự và lực lượng phản ứng nhanh chuyên trách Bắc cực.