Nga công bố hình ảnh MH17 bị chiến đấu cơ của Ukraine bắn hạ

ANTĐ - Ngày 14-11, kênh truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng những hình ảnh được gọi là “giật gân” về chuyến bay MH17. Hình ảnh chỉ ra rằng, chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airline bị bắn hạ bởi một máy bay chiến đấu của Ukraine. 

Nga công bố hình ảnh MH17 bị chiến đấu cơ của Ukraine bắn hạ ảnh 1Hình ảnh vệ tinh cho thấy MH17 có thể bị chiến đấu cơ bắn hạ

Tuy nhiên, ngay sau khi phát sóng, một số  nhà bình luận đã xem xét kĩ những bức ảnh và cho đó là giả mạo.

Theo kênh truyền hình, hình ảnh này được ghi lại bởi một vệ tinh của phương Tây trước khi chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. Một kỹ sư của Nga, người tham gia hoạt động điều tra vụ việc đã nhận được hình ảnh này hôm 12-11.

Từ lâu Moscow đã cho biết, họ tin rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi một máy bay phản lực của quân đội Ukraine. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng đưa ra bằng chứng chứng minh, chuyến bay đã trúng tên lửa đất đối không của Nga, hỗ trợ cho phe ly khai tại miền đông Ukraine.

Các bức ảnh đã được phát sóng vào ngày 14-11, trong chương trình tin tức buổi tối "Odnako". Trong chương trình, kênh truyền hình đồng thời cũng công bố rằng, họ đã nhận được email bằng tiếng anh từ George Biltl- một chuyên gia hàng không, tuyên bố MH17 bị bắn hạ bằng pháo và tên lửa từ một máy bay khác.

Những hình ảnh được công bố có thể là bằng chứng cho thấy phi cơ gặp nạn hồi tháng 7 đã bị máy bay chiến đấu của Ukraine bắn hạ, không phải do tên lửa đất đối không như cáo buộc trong thời gian qua. Hình ảnh có thể do vệ tinh của Mỹ hoặc Anh ghi lại. 

Người dẫn chương trình Mikhail Leontiev cho hay,rất có thể chiến đấu cơ Mig-29 đã bắn hạ chiếc máy bay này. 

Trong khi đó, một công ty tư vấn an toàn hàng không của Nga cũng công bố dữ liệu radar mới, chỉ ra sự xuất hiện của hai máy bay quân sự đến gần chiếc Boeing mang số hiệu MH17 trước khi xảy ra vụ việc. Dữ liệu được một trung tâm kiểm soát không lưu ở vùng Rostov của Nga, gần biên giới Ukraine cũng ghi lại được hình ảnh của MH17 khoảng 20 phút trước khi MH17 gặp nạn.

Sergey Melnichenko, Giám đốc điều hành của công ty này cũng nhận định, rất có thể có một hoặc 2 chiến đấu cơ bay gần MH17. Chúng di chuyển về phía bắc đường bay của chiếc Boeing vào thời điểm xảy ra tai nạn và sau đó chiếc máy bay đã đột ngột rơi.

Ông Melnichenko nhấn mạnh, ông hoàn toàn tin tưởng vào các nguồn tin này, các dữ liệu có thể là bằng chứng đối lập với giả thiết của các nước phương Tây, vốn khẳng định MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.

Thế nhưng, đối với sự việc trên, ông Andrei Menshenin- một bình luận viên cho đài phát thanh độc lập Nga Ekho Moskvy lại nhận định những hình ảnh này "là giả mạo" và các góc độ tấn công mà hình ảnh chỉ ra là không phù hợp với dấu vết in lại trên xác máy bay.

Phương Tây cũng đã lên tiếng phản đối sự việc này. Bellingcat, một trang web điều tra của Anh, mô tả hình ảnh này là "bịa đặt" và có nhiều mâu thuẫn. Các dấu hiệu cho thấy, bức ảnh đã được chỉnh sửa từ một hình ảnh trên Google Earth trong năm 2012.