Nga can thiệp quân sự vào Syria: Sự trỗi dậy chiến lược

ANTĐ - Theo giới phân tích, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể được hiểu là sự trỗi dậy chiến lược của Nga, hơn cả ở Crimea và miền Đông Ukraine - vốn trong tầm kiểm soát dễ dàng của quân đội Nga.

Nga can thiệp quân sự vào Syria: Sự trỗi dậy chiến lược ảnh 1Chiến đấu cơ Nga xuất kích tiêu diệt IS tại Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria là biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia Nga để trung lập hóa hoặc loại trừ mối đe dọa từ IS trước khi chúng tràn tới lãnh thổ Nga. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria không mang tính đặc trưng là để duy trì chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng cho biết, cuộc can thiệp quân sự của Nga được thực hiện theo yêu cầu đặc biệt của chính quyền nước bạn, đó là Syria.

Tuy nhiên, thực tế chiến lược cho thấy Nga đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ có khả năng tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự ở những nơi xa bằng cách kết hợp sử dụng các cuộc không kích và hỗ trợ hậu cần của lực lượng không quân Nga và các chiến dịch của Hải quân Nga ở vùng biển xa. Mặc dù Nga chỉ gửi tới đây khoảng 2.000 quân, song họ đã tỏ dấu hiệu thêm rằng Moskva sẵn sàng “tham chiến trên bộ” và điều động thêm quân nếu được 

yêu cầu.

Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria cũng cho phép Nga thể hiện tính hiệu quả của các vũ khí quân sự hạng nặng mới nhất của Moskva, đặc biệt là các vũ khí của lực lượng không quân. Nga trước đây từng sử dụng ít nhất 3 phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu Sukhoi. Nga cũng thể hiện sức mạnh công phá của các tên lửa hành trình được bắn từ khoảng cách 900 km trên biển Caspi. Đặc biệt, cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria còn được bổ sung và củng cố bởi sự tham gia của quân đội Iran, bên cạnh lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah của Lebanon.

 Các cuộc không kích của Nga nhằm vào mục tiêu IS được ghi nhận đã tấn công trúng 34 trong tổng số 37 căn cứ lớn của IS. Các đoạn video trên mạng Internet cho thấy sức công phá đáng kể. 

Các cuộc không kích của Nga cũng kết hợp nhằm mục tiêu vào Quân đội Syria Tự do trong khi đồng thời công phá các mục tiêu IS. Điều này đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây không ở trong thế trực tiếp để có thể can thiệp chống lại cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Syria. Với việc Mỹ đang bận tâm cho chiến dịch tranh cử Tổng thống, hiện ông Obama không thể tiến hành bất kỳ chiến dịch nào chống lại cuộc can thiệp quân sự của Nga. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã công khai hỗ trợ cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria, có lẽ là để phản ứng trước sức ép của Mỹ đối với tranh chấp trên Biển Đông và việc Mỹ đe dọa điều động lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ đến khu vực gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Một số thông tin cũng cho thấy Israel có thể ủng hộ cuộc can thiệp của Nga, có thể là bởi mối đe dọa từ IS.

Như vậy, có thể khẳng định rằng Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào làm xói mòn cấu trúc có lợi cho Nga ở Bắc Trung Đông. Chắc chắn rằng, cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria có thể làm thay đổi động lực của cuộc đối đầu ở Trung Đông, đặc biệt là giữa Iran và Saudi Arabia.