Nga cần ít nhất 5 tàu phá băng hạt nhân để thăm dò Bắc Cực

ANTĐ - Ngày 17-9, Phó giám đốc phụ trách phát triển Công ty quốc doanh Atomflot, một công ty dịch vụ và bảo dưỡng tàu phá băng của Nga cho biết, nước này sẽ cần đến ít nhất 5 chiếc tàu phá băng hạt nhân Dự án 22220 để thăm dò Bắc Cực.

Các tàu thuộc Dự án 22220 là một lớp tàu phá băng năng lượng hạt nhân mới mà Nga đang chế tạo. Các tàu mới này có thể hộ tống các đoàn tàu tại Bắc Cực, phá lớp băng dày tới 3m. Hiện tại, Nga đã ký hợp đồng đóng 3 chiếc tàu thuộc dự án này.

“Tình hình thực tế thúc giục chúng tôi chế tạo các tàu phá băng năng lượng hạt nhân mới này. Chúng tôi cho rằng cần phải có không dưới 5 chiếc tàu thuộc Dự án 22220”, phó giám đốc Stanislav Golovinsky nói với hãng thông tấn RIA Novosti.

Mô hình tàu phá băng hạt nhân Dự án 22220 của Nga

Mỗi chiếc tàu phá băng Dự án 22220 có chiều dài 173,2m, rộng 33,9m, mớn nước 10,5m và trọng lượng giãn nước lên đến 33.540 tấn. Lớp tàu phá băng này được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-200 được thiết kế đặc biệt.

Trong năm 2014, nhà máy đóng tàu Baltic của Nga, thuộc sở hữu của Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất, đã ký một hợp đồng trị giá 1,68 tỷ USD chế tạo 2 chiếc tàu phá băng hạt nhân thuộc Dự án 22220 với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Rosatom.

Chiếc tàu phá băng hạt nhân đầu tiên thuộc dự án này mang tên Arktika đã được khởi đóng vào tháng 10-2013 và chiếc thứ 2 vừa được khởi đóng hồi tháng 5-2015. Dự kiến, cả hai chiếc tàu phá băng thuộc Dự án 22220 này sẽ được biên chế hoạt động tại khu vực Bắc Cực của Nga, tương ứng vào tháng 12-2019 và tháng 12-2020.

Thềm lục địa Bắc Cực được cho là có một khối lượng dầu khí khổng lồ. Nga đã tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực nằm trong đường hải giới của họ. Ngoài ra, còn có các nước như Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển băng giá này.