NATO Trung Á?

(ANTĐ) - Việc hai Tổng thống Nga và Kyrgyzstan đặt bút ký vào thỏa thuận tiến tới việc thiết lập một căn cứ quân sự tại nước Cộng hòa Trung á Kyrgyztan được xem là bước mở đường để Lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) sớm đi vào hoạt động.

NATO Trung Á?

(ANTĐ) - Việc hai Tổng thống Nga và Kyrgyzstan đặt bút ký vào thỏa thuận tiến tới việc thiết lập một căn cứ quân sự tại nước Cộng hòa Trung á Kyrgyztan được xem là bước mở đường để Lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) sớm đi vào hoạt động.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh trung tuần tháng 6 vừa qua tại Thủ đô Matxcơva của Nga, các nhà lãnh đạo CSTO (hay còn gọi là ODKB theo tên viết tắt tiếng Anh) đã ký Hiệp định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (KSOR) của CSTO. Tổ chức này hiện có 7 thành viên gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.

Khi Hiệp định thành lập KSOR vừa được ký kết, giới quan sát cho rằng đó là một lực lượng được thiết lập nhằm làm đối trọng với các hoạt động của lực lượng NATO. Hội nghị ký hiệp định thành lập KSOR vì thế cũng được ví là Hội nghị thượng đỉnh NATO phương Đông.

Dù hiệp định đã được ký kết nhưng việc lập KSOR không hề dễ dàng, nhất là để lực lượng này có thể đi vào hoạt động chứ chưa nói tới chuyện sánh với NATO từng là đối trọng của tổ chức Hiệp ước Warsaw hùng mạnh một thời. Trong nhiều cái khó có việc Kyrgyzstan còn lưỡng lự chưa muốn để đội quân thường trực của KSOR đóng căn cứ trên lãnh thổ nước mình.

Vì thế việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiev đặt bút ký thỏa thuận tiến tới thiết lập một căn cứ quân sự ngày 1-8 tại thành phố nghỉ mát Cholpon Ata của Kyrgyzstan là một bước đột phá quan trọng. Thỏa thuận đó là một trong những bước đi thực tế đầu tiên để hiện thực hóa Hiệp định ký tại Matxcơva.

Tổng thống Medvedev (trái) và Bakiev (phải) ký thỏa thuận lập căn cứ quân sự
Tổng thống Medvedev (trái) và Bakiev (phải) ký thỏa thuận lập căn cứ quân sự

Theo Tổng Thư ký CSTO Nikolai Bordiuja, KSOR trước hết sẽ được triển khai trong những mục tiêu như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh các quốc gia thành viên. Lực lượng này cũng sẽ được huy động tiến hành các chiến dịch đặc biệt đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các hành động bạo lực của chủ nghĩa cực đoan...

KSOR trước mắt sẽ do Nga giữ vai trò nòng cốt với một sư đoàn dù đổ bộ và lữ đoàn đổ bộ xung kích gồm khoảng 8.000 quân và Kazakhstan đóng góp lữ đoàn đổ bộ xung kích với 4.000 quân. Các nước thành viên khác CSTO đóng góp mỗi nước một tiểu đoàn.

Trong khi đó, theo báo “Thương nhân” (Nga), KSOR sẽ là hạt nhân để hình thành Tập đoàn quân Trung á gồm tập hợp các binh chủng của 5 nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga. Tập đoàn quân này sẽ là một “nắm đấm quân sự” mạnh như chủ trương của Tổng thống Medvedev “tăng cường sức mạnh quân sự của CSTO ngang tầm với NATO”.

Những trở ngại đầu tiên trong việc thiết lập KSOR đã được vượt qua song để lực lượng này thật sự trở thành một “nắm đấm quân sự” mạnh thì còn rất nhiều việc phải làm và khó khăn phải vượt qua. Trong đó, trước hết là các nước Trung á muốn có một lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với Taliban đang âm mưu mở rộng hoạt động khỏi Afghanistan thì Belarus lại không mặn mà với việc lập KSOR.    

Hoàng Tuấn