NATO ra tuyên bố chung về Hiệp ước Bầu trời Mở

ANTD.VN -Ngày 22-5, tại cuộc họp khẩn cấp về Hiệp ước Bầu trời Mở, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jen Stontelberg đã ra tuyên bố chung của tất cả các đồng minh trong khối này về thỏa thuận này.

NATO ra tuyên bố chung về Hiệp ước Bầu trời Mở ảnh 1

Buổi họp khẩn cấp của NATO về Hiệp ước Bầu trời Mở, ngày 23-5-2020

Tuyên bố có đoạn ghi rõ: “Hiệp ước Bầu trời Mở là thành tố then chốt của khuôn khổ xây dựng lòng tin và đã tồn tại nhiều thập kỷ nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khủ vực châu Âu-Đại Tây Dương”.

Tuyên bố cũng cho biết các nước sẵn sàng duy trì đối thoại với Nga trên cơ sở những ý kiến đã thống nhất trước đó giữa các đồng minh trong NATO và các đối tác châu Âu khác để cùng tháo gỡ những bất đồng, đồng thời kêu gọi Matxcơva dỡ bỏ những hạn chế đối với các chuyến bay qua không phận Kaliningrad.

Các nước cam kết sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, vốn có giá trị ngày càng tăng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung. Tuyên bố khẳng định Hiệp ước Bầu trời Mở vẫn hữu ích và thiết thực.

Các nước cùng nhau kêu gọi Mỹ không rời khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở - thỏa thuận có ý nghĩa then chốt đối với an ninh tại châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh

Ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận thông tin phía Mỹ chính thức thông báo về quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, bước đi mà phía Matxcơva đánh giá là "rất đáng tiếc".

“Điều này rất đáng tiếc, vì nó gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu. An ninh của chính Mỹ sẽ không được củng cố và uy tín của Mỹ trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết.

Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở chừng nào thỏa thuận này còn hiệu lực.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này. Có 34 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.