NATO phản pháo tuyên bố bổ sung 40 tên lửa của ông Putin

ANTĐ -NATO đã lên tiếng phản đối động thái mới bổ sung thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga vào kho vũ khí trong năm nay và coi đó là hành động “vô lý, gây mất ổn định”.

Trong hội chợ vũ khí quân sự hôm 16-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ đưa thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay. “Chúng tôi buộc phải tăng cường lực lượng vũ trang quân sự tại các khu vực có nhiều mối đe dọa”, ông Putin nói.

Tuyên bố của ông Putin đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ lên kế hoạch triển khai xe tăng, vũ khí hạng nặng vào các nước thành viên NATO giáp biên giới Nga. Ông chủ điện Kremlin cho rằng “đây là hành động tích cực nhất của Washington kể từ Chiến tranh Lạnh”.
NATO phản pháo tuyên bố bổ sung 40 tên lửa của ông Putin ảnh 1Tổng thư ký NATO cáo buộc hành động của Nga gây nguy hiểm

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ lo ngại về tuyên bố của ông Putin và cho biết không ai muốn nhìn thấy “một tình trạng chiến tranh lạnh mới trên thế giới”.

Đáp trả ngay lập tức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cáo buộc hành động của Nga là “vô lý, gây mất ổn định và nguy hiểm”. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, ông Stoltenberg giải thích sự gia tăng hiện diện của NATO trên vùng Đông Âu chỉ nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên gần biên giới Nga.

"Hành động bổ sung kho vũ khí hạt nhân của Nga là vô lý. Đây chính là điều mà chúng tôi đang giải quyết và ngày càng phải tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng của lực lượng chiến đấu. Chúng tôi đang đối phó bằng cách đảm bảo trong tương lai, NATO là một tổ chức bảo vệ các đồng minh chống lại bất kỳ mối đe dọa”, ông Stoltenberg nói.
NATO phản pháo tuyên bố bổ sung 40 tên lửa của ông Putin ảnh 2Nga tăng cường chi tiêu quân sự dưới thời Tổng thống Putin

Căng thẳng đã bùng lên một lần nữa giữa Nga và các nước phương Tây, trước các cáo buộc về vai trò của Moscow  trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Mỹ và EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhằm hạn chế sự hiện diện của Kremlin ở nước láng giềng.

Cả Nga và Mỹ đều đang bị ràng buộc trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược 2010 (START), với quy định triển khai hạn chế 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược vào năm 2018.

Tính đến tháng 4-2015, Nga đã có 515 bệ phóng được triển khai nên việc bổ sung thêm 40 hoặc 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vẫn giữ Nga dưới mức giới hạn hiệp ước START.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định chi tiêu quân sự xa hoa đang đè nặng lên ngân sách quốc gia Nga vào thời điểm mà nền kinh tế đang trượt xuống theo hướng suy thoái.

Dù điện Kremlin miêu tả chi tiêu vào lĩnh vực vũ khí của Nga là một động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng các nhà phê bình nói rằng Tổng thống Nga đã đang “quá tay và lấy bớt đi các chi phí xã hội khác”.