Nạn tự tử ở người già

ANTĐ - Trong nhiều năm qua, tỷ lệ người già ở nông thôn Trung Quốc tự tử tăng đột biến. Đa số họ tự vẫn để “nghĩ cho con cháu”. Sự phát triển kinh tế ở các khu vực thành thị đã khiến những người cao tuổi ở nông thôn cảm thấy mình là “người thừa” vì bị con cháu ruồng bỏ.

Nạn tự tử ở người già  ảnh 1Ngày càng gia tăng các vụ tự tử ở người già vùng nông thôn Trung Quốc

“Chết sớm cho rảnh nợ”

Tại một ngôi làng nhỏ ở huyện Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ông Lâm Mộc Văn, 69 tuổi tắm rửa sạch sẽ rồi mang một đống vàng mã ra đốt. Khi ngọn lửa từ đống vàng mã tắt cũng là lúc ông Lâm Mộc Văn lìa đời bằng cốc thuốc sâu. Hàng xóm kể lại, ông Lâm Mộc Văn đã chuẩn bị sẵn cho ngày “định mệnh” này từ rất lâu. Nhiều người còn nói ông Lâm Mộc Văn tự vẫn vì mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với con dâu. “Ông Lâm Mộc Văn còn tự đốt vàng mã cho chính mình vì nghĩ rằng các con ông sẽ không làm việc này”, một người dân làng kể lại.

Tình cảnh đáng thương khác tại một gia đình ở Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc, một đứa con quát vào mặt người cha già bệnh tật của mình: “Ông có chết đi không thì bảo? Công ty chỉ cho tôi nghỉ có 7 ngày, mà tôi còn phải lo làm đám tang cho ông nữa”. Không còn lựa chọn nào khác, người cha già đành phải tự sát. Đứa con trai duy nhất của ông tổ chức đám tang cho cha mình rồi quay trở lại thành phố để làm việc. Nhiều người dân ở huyện Dương Sơn, tỉnh Hồ Bắc còn lan truyền câu chuyện người già ở đây đều có 3 “đứa con trai” đáng tin cậy nhất là thuốc độc, dây thừng và ao sâu.

Ông Lưu Nghiêm Võ, giảng viên khoa Xã hội học, trường Đại học Vũ Hán, người đã nhiều năm điều tra nguyên nhân những vụ tự tự ở vùng nông thôn Trung Quốc cho biết, rất nhiều người già Trung Quốc tự vẫn vì “nghĩ cho con cho cháu”. Một số bỏ đi thật xa trước khi tìm đến cái chết, thậm chí có trường hợp một cặp vợ chồng già đã bàn nhau tự vẫn ở hai thời điểm khác nhau để tránh cho con cháu bị đàm tiếu. 

Theo nghiên cứu của ông Lưu Nghiêm Võ, khoảng 30% người già trong ngôi làng nhỏ của huyện Sơn Dương muốn “chết sớm cho rảnh nợ”. Từ đó, cái chết “bất thường” của những người già ở nông thôn Trung Quốc nhiều năm qua trở thành bình thường, thậm chí còn được gọi là “kết cục tốt đẹp” của họ. Cũng theo ông Lưu Nghiêm Võ, có 3 vấn đề chính khiến nạn tự tử diễn ra ngày càng nhiều ở khu vực nông thôn Trung Quốc hiện nay, đó là do đời sống khó khăn, bệnh tật và tình cảm.

Vấn đề đạo đức trong xã hội hiện đại

“Đó sẽ là vấn đề mà Trung Quốc cần phải giải quyết trong tương lai khi mà tỷ lệ tự tử của người già vùng nông thôn nước này đã tăng rất nhanh kể từ năm 1990 đến nay”, nhà nghiên cứu Lưu Nghiêm Võ nhấn mạnh. Nhìn ở quy mô rộng hơn, nguyên nhân của điều này là do sức ép quá lớn từ một xã hội Trung Quốc ngày càng già hóa. Tính đến năm 2013, số người được xếp vào diện dân số già trên 65 tuổi của Trung Quốc đã vượt quá con số 200 triệu, chiếm 14,9% tổng dân số, cao hơn so với tiêu chuẩn 10% của Liên hợp quốc về xã hội già hóa.

Theo kết quả khảo sát ở 40 ngôi làng, 11 tỉnh cho thấy, các trường hợp tự tử ở người già không phải chuyện hiếm ở Trung Quốc ngày nay. Đa số những người già ở vùng nông thôn Trung Quốc đều có chung quan điểm muốn “biến mất” khỏi thế giới này bởi họ cảm thấy không còn thuộc về nơi này nữa. Sự phát triển kinh tế ở các khu vực thành thị đã khiến những người cao tuổi ở nông thôn cảm thấy mình là “người thừa”.

Tờ nhật báo Nam đô còn bình luận, xã hội Trung Quốc “đang ngày một biến dạng”, trong đó các giá trị truyền thống và đạo đức đã biến mất trong quá trình chuyển đổi sang xã hội hiện đại. “Các thành viên trong gia đình Trung Quốc đã dùng tiền như một thước đo giá trị của mỗi thành viên”, nhật báo Nam đô bình luận. Đây là một trong những vấn đề bất cập trong một xã hội truyền thống Nho giáo của Trung Quốc. Nho giáo luôn dạy con người phải hiếu thảo, kính trên nhường dưới nhưng những gì đang diễn ra cho thấy sự biến chất, suy đồi đạo đức trong xã hội hiện đại của quốc gia đông dân nhất thế giới này.