Nạn nhân hiếp dâm nghiên cứu bộ dụng cụ thu thập ADN trong những vụ tấn công tình dục

ANTD.VN - Vụ hiếp dâm diễn ra vào năm 2002, khi Wangu Kanja, một phụ nữ Kenya bước sang tuổi 27. Cô đã phải chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần trong một thời gian dài. Cô tìm đến rượu và từng có thời điểm rơi vào trầm cảm. Wangu Kanja không biết làm thế nào để đối phó với nỗi đau. 3 năm sau cô quyết định cần làm điều gì đó để giúp đỡ những người phải trải qua điều tồi tệ tương tự. 

Vết thương thể xác lẫn tinh thần ám ảnh thời gian dài

Wangu Kanja bị hãm hiếp vào khoảng 10 giờ đêm. Vào thời điểm đó, khi cô và một số người bạn lái xe quanh Thủ đô Nairobi, Kenya thì 4 người đàn ông có vũ trang bất ngờ chặn xe, mở cửa và lên xe đe dọa cả nhóm. Họ lái xe qua nhiều con phố cho đến khi nhìn thấy một máy rút tiền tự động. Hai trong số những người đàn ông xuống xe, sử dụng thẻ tín dụng đánh cắp để rút tiền. Nhóm đối tượng để bạn bè của Wangu Kanja đi và giữ một mình cô ở lại. Một trong số những người đàn ông đã hãm hiếp Wangu Kanja ngay trên xe. “Sự việc xảy ra khiến mọi thứ trước mắt tôi tối sầm lại. Đó là vết thương về thể xác và tinh thần đã ám ảnh tôi trong một thời gian dài”, Wangu Kanja kể lại trong nước mắt. 

Nạn nhân hiếp dâm nghiên cứu bộ dụng cụ thu thập ADN trong những vụ tấn công tình dục ảnh 1

Wangu Kanja

Theo các chuyên gia, trong nhiều cuộc xung đột gần đây, hiếp dâm được sử dụng như một công cụ để thực hiện các mục tiêu quân sự trong chiến tranh Bosnia giữa những năm 1990, trong cuộc nội chiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào giữa những năm 1990 và gần đây nhất là cuộc xung đột ở Syria và Iraq, nơi phụ nữ Yazidi trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công tình dục. Tuy nhiên, ở nhiều nước châu Phi, bạo lực tình dục xảy ra phổ biến.

USAID - cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ ước tính rằng, 1 trong 7 phụ nữ ở Kenya trải qua bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời. Ngân hàng Thế giới ước tính, ở Tanzania gần như 1/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 là nạn nhân của bạo lực tình dục hoặc thể xác trong 12 tháng qua. Có thể đây chưa phải là con số chính xác vì nhiều trường hợp không được báo cáo vì nạn nhân sợ hãi hoặc thủ phạm không bị kết án do không đủ bằng chứng.

Wangu Kanja cho biết, cô muốn thay đổi điều này. Cô đứng trước Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thành phố Lindau, bên hồ Constance, miền Nam nước Đức, nơi diễn ra Hội nghị Tôn giáo Thế giới lần thứ 10 để gặp gỡ, nói chuyện với các đại biểu về công việc mà cô đã làm. Bên cạnh Wangu Kanja là nhà tội phạm học Lisa Smith, trường Đại học Leicester, Anh.

Hai người phụ nữ đã cùng nhau nghiên cứu một phương pháp thu thập ADN, giúp thu thập chứng cứ trong những vụ tấn công tình dục rất dễ dàng. Các mẫu ADN có thể được lấy bởi chính các nạn nhân mà không cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ. Điều này sẽ giúp quá trình thu thập bằng chứng dễ dàng hơn. Theo Lisa Smith, phương pháp thu thập ADN của họ cũng có giá cả phải chăng hơn so với các phương pháp phổ biến hiện nay. 

Quy trình thu thập ADN bằng phương pháp mới 

Chuyên gia Lisa Smith mở hộp đựng dụng cụ y tế và giải thích quy trình thu thập ADN bằng phương pháp mới. “Nếu phụ nữ bị hãm hiếp bằng miệng, họ có thể sử dụng tăm bông này để lấy mẫu từ miệng trong khoảng thời gian 3 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc. Bộ dụng cụ này cũng bao gồm một ống nhựa nhỏ mà phụ nữ có thể sử dụng để thu thập dấu vết ADN từ âm đạo”, Lisa Smith nói. Bắt đầu từ cuối năm nay, nhân viên cứu trợ nhân đạo ở Kenya sẽ phân phối bộ dụng cụ ở nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là khu vực nông thôn không có bệnh viện.

Mục tiêu của Wangu Kanja rất rõ ràng, cô hy vọng một ngày nào đó, bạo lực tình dục sẽ chấm dứt ở Kenya. “Tội phạm hiếp dâm cần phải bị trừng phạt thích đáng. Với những nạn nhân như chúng tôi, đó không chỉ là việc chữa lành vết thương về thể xác mà trên hết, phải tạo dựng lại giá trị của bản thân”, Wangu Kanja nói.

Wolfgang Schürer, thành viên ban tổ chức sự kiện Hội nghị Tôn giáo vì Hòa bình năm nay hy vọng, bộ dụng cụ thu thập ADN của Wangu Kanja và Lisa Smith sẽ có thể làm giảm đáng kể số lượng các vụ tấn công tình dục.