Nạn nhân bị lạm dụng tình dục được đào tạo thành luật sư

ANTD.VN - Một chương trình đào tạo mới đang giúp những nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trẻ em Ấn Độ trở thành luật sư, giành lại công lý cho những người có hoàn cảnh giống như họ.

19 cô gái trẻ Ấn Độ từng bị buôn bán tình dục được đỡ đầu để học thành luật sư

“Nhà nghèo, 9 tuổi tôi đã xa gia đình đến ở đợ cho một gia đình giàu có. Ở đó, từ người làm vườn, người gác cổng đến những người đàn ông khác lạm dụng tôi”, nạn nhân tên Sangita kể. “Rời khỏi ngôi nhà ấy, tôi nhờ một phụ nữ ăn xin trên đường giúp nhưng cô ta lại đưa tôi bán cho một nhà thổ. Lúc đó, tôi mới 13 tuổi. Tôi muốn chống lại nạn bóc lột tình dục trẻ em và giúp những người khác như tôi”, Sangita nói về lý do gia nhập “Trường học vì công lý”.

Nuôi khát khao đấu tranh vì công lý

 Chương trình “Trường học vì công lý”, do tổ chức chống buôn người của Hà Lan mang tên “Tự do cho bé gái” đỡ đầu khai trương hồi tháng 4-2017 với chức năng hỗ trợ những phụ nữ từng thoát khỏi nạn buôn bán tình dục tuổi vị thành niên để họ có thể theo đuổi bằng cử nhân luật.

Xa hơn, mục đích của chương trình là trao quyền cho nạn nhân để dùng luật pháp làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống lại nạn buôn người, bởi thông thường, những thủ phạm kiểu này không bị đem ra xét xử. Cũng theo người sáng lập “Tự do cho bé gái”, ông Evelien Hölsken, chương trình này cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức về nạn buôn bán tình dục trẻ em.

“Mỗi cô gái trong ngôi trường này đều có một câu chuyện nhưng có điểm chung là họ đã bị bán đi, bị rơi vào đường dây buôn người, không có lựa chọn nào khác. Nhưng họ rất dũng cảm, chúng tôi tự hào về họ. Nếu không ai dám nói ra, sẽ không có gì có thể thay đổi cả”

Ông Evelien Hölsken, người sáng lập tổ chức chống buôn người “Tự do cho bé gái”

Ấn Độ có luật chống lại nạn buôn người nhưng việc thực thi lại chưa được như mong muốn. Đơn cử như năm 2014, cảnh sát điều tra 3.056 trường hợp buôn người, tuy nhiên, 77% những kẻ buôn người bị truy tố đã được tha bổng. “Cảnh sát giải cứu tôi sau khi một người làm việc trong khu đèn đỏ trình báo. Dù vậy, những người trong nhà thổ thậm chí không bị bắt”, Sangita kể.

 “Trường học vì công lý” giúp những nạn nhân lạm dụng tình dục trẻ em theo đuổi con đường trở thành luật sư bằng cách chi trả cho họ học phí, nhà ở, lương thực và đi lại trong suốt quá trình học. Những người tham gia chương trình đều sống trong cùng một ngôi nhà có sự trợ giúp của các nhân viên thuộc tổ chức đối tác Sanlaap, chuyên giải cứu các cô gái từ nhà thổ. Tại đây, các học viên được học tiếng Anh, học luật cơ bản cũng như củng cố kiến thức để có thể thi đại học.

Đại diện cho sự thay đổi

Khởi đầu với 19 phụ nữ trẻ, “Trường học vì công lý” hiện đã có 4 học viên trúng tuyển đại học và bắt đầu nhập học chính thức trong tháng 7. 15 em khác sẽ học thêm 1 năm nữa hoặc lâu hơn mới có thể thi tuyển đại học, tuy rằng tên tuổi hay trường đại học các em vào học được giữ kín.

Ý tưởng lập trường nổi lên sau khi tổ chức “Tự do cho bé gái” thuê hãng truyền thông J. Walter Thompson có trụ sở tại Amsterdam làm một quảng cáo nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn bán tình dục trẻ em ở Ấn Độ. “Với 19 cô gái này, bạn sẽ không thể thay đổi cả một hệ thống nhưng họ sẽ đại diện cho sự thay đổi”, Giám đốc điều hành J. Walter Thompson Bas Korsten nói.

 Một trong những thách thức lớn đối với “Trường học vì công lý” là sự kỳ thị mà những nạn nhân bị buôn bán tình dục phải đối mặt. Sau khi các cô gái được cứu thoát khỏi nhà chứa, không phải lúc nào gia đình cũng đón nhận họ. Hơn thế, thay vì hỗ trợ các nạn nhân, chính quyền lại coi họ như tội phạm mại dâm và các cáo buộc khác.

“Một bộ phận xã hội đối xử với chúng tôi như kiểu chúng tôi “khác loài” hoặc là loại côn trùng không đáng được sống. Tôi vẫn không được chính gia đình mình chấp nhận”, nạn nhân Kalyani nói. Có chung quan điểm này, ông Hölsken nhận định: “Họ không được coi là nạn nhân. Mọi người nghĩ rằng họ là gái hư hoặc quá lười biếng để có thể làm các công việc khác”.

Chương trình “Trường học vì công lý” chi khoảng 3.400 USD/học viên mỗi năm. Các nhà tài trợ tư nhân của Hà Lan đã tài trợ đủ chi phí cho 2 năm tiếp theo nhưng trường vẫn đang tìm kiếm thêm nhà tài trợ từ Ấn Độ và các nơi khác để tuyển thêm học viên từ năm 2018 trở đi. Tổ chức “Tự do cho bé gái” cũng đang xem xét nhân rộng chương trình ở Brazil và các nước khác.