Na Uy đau đầu khi Trung Quốc mua đất ở Bắc Cực

ANTĐ - Kế hoạch nhượng bán một dải đất hẹp ở thành phố Longyearbyen, trung tâm hành chính của đảo Svalbard – vùng cực Bắc Na Uy cho thương nhân Trung Quốc đang làm dấy lên một “cơn bão dư luận” cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Na Uy đau đầu khi Trung Quốc mua đất ở Bắc Cực ảnh 1  “Đây là một cơ hội một lần trong đời”, một người bạn của gia đình sở hữu mảnh đất tư nhân duy nhất trên đảo cực bắc Na Uy cho biết

Kế hoạch đáng ngờ    

Mùa hè này, ông trùm bất động sản Trung Quốc Hoàng Nộ Ba đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc mua một lô đất trị giá khoảng 4 triệu USD ở

Longyearbyen. Theo đài truyền hình Nhà nước Na Uy, nhân vật này cũng đang để ý đến khối bất động sản lớn hơn nhiều ở Spitsbergen, hòn đảo chính trong quần đảo Svalbard, thuộc vùng Bắc Cực, nằm giữa Na Uy và Bắc Cực.

Tập đoàn đầu tư Trung Khôn Bắc Kinh bác bỏ thông tin từ các phương tiện truyền thông Na Uy rằng họ muốn mua đất ở Bắc Cực và cho biết đang tập trung vào kế hoạch xây một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Lyngen, vùng núi gần Tromso trên đất liền của Na Uy. Dự án này, mặc dù xa hơn về phía Nam so với Svalbard nhưng vẫn tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi về ý đồ của công ty này. Lời giải thích của nhà đầu tư Trung Quốc không làm dịu đi suy đoán về việc Trung Quốc đang tìm cách “cắm chân” ở Bắc Cực, một khu vực đang nổi lên về ý nghĩa địa chính trị và kinh tế, bởi hiện tượng tan băng sẽ mở ra tuyến đường vận chuyển mới và rẻ hơn từ châu Á cũng như triển vọng khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú.

 “Đối với bất cứ ai quan tâm địa chính trị, đây là khu vực cần theo dõi trong những năm tới”, ông Willy Ostreng - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học về nghiên cứu địa cực Na Uy cho biết. Vị học giả này nhận định, tỷ phú họ Hoàng có thể chỉ là doanh nhân đơn thuần, thực sự quan tâm đến phát triển du lịch nhưng “ở đây chúng ta đang nói về vấn đề nhận thức và rõ ràng Trung Quốc muốn có một chỗ đứng ở Bắc Cực”.

Chạy đua “cơn sốt vàng” ở Bắc Cực

Khát năng lượng, “Trung Quốc đã công khai tuyên bố tham vọng của mình ở Bắc Cực”, chuyên gia Ostreng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã đầu tư một tàu phá băng mang tên Tuyết Long; đưa các nhà khoa học đến

Svalbard tham gia nhóm nghiên cứu quốc tế và thành công trong việc vận động trở thành quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực, một nhóm các quốc gia có đất ở Bắc Cực trong đó có Na Uy, Nga và Hoa Kỳ. Họ cũng nỗ lực, dù đến nay chưa thành công, để được cho phép xây dựng một hệ thống radar lớn trên đảo

Svalbard. Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố mình là “quốc gia gần Bắc Cực”, trong khi vùng cực Bắc của nước này cách Bắc Cực hơn 1.000 dặm.

Lần đầu tiên ông trùm bất động sản Hoàng Nộ Ba thu hút sự chú ý khi vào năm 2012, ông ta cố mua một dải đất hoang vu, rộng 300km2 ở miền Bắc

Iceland với ý định xây sân golf và khách sạn cao cấp cho khách du lịch Trung Quốc. Dự án này thất bại do phạm vào luật hạn chế quyền sở hữu đất đai đối với người nước ngoài. Ở Na Uy thì khác. Theo Hiệp ước Svalbard 1920, Na Uy có “chủ quyền tuyệt đối” trên quần đảo Bắc Cực, nhưng việc mua và phát triển đất trên Svalbard là “hoàn toàn bình đẳng” đối với công dân của tất cả các nước tham gia ký kết, trong đó Trung Quốc là thành viên sau này tham gia.

Hoạt động kinh tế chủ yếu trên đảo Svalbard từ trước đến nay vẫn là khai thác than và săn động vật lấy lông, nhưng sự nóng lên toàn cầu và công nghệ mới đã khiến Svalbard dự kiến sẽ trở thành trung tâm của cái gọi là “cơn sốt vàng Bắc Cực” trong những thập kỷ tới. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ, khu vực Bắc Cực chứa khoảng 13% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện. Nguồn tài nguyên vẫn còn nguyên vẹn bởi khó khai thác và chi phí cao.

Nga gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 400 tỷ USD vào khai thác tài nguyên ở Bắc Cực trong vòng 20 năm tới, mặc dù kế hoạch này có thể bị gián đoạn bởi lệnh trừng phạt phương Tây do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Igor Sechin, người đứng đầu Rosneft, Công ty dầu khí quốc gia Nga nhận định Bắc Cực chứa đựng hơn 20% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Ông này cũng chỉ ra, mặc dù mối quan hệ với Trung Quốc đang ấm lên nhưng Nga vẫn lo lắng về sự dòm ngó của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Qua vịnh hẹp này là dải đất được cho là tỷ phú Trung Quốc muốn mua tại Longyearbyen, Na Uy

Giá “chốt” vẫn là ẩn số

Vùng đất đang được rao bán cho Trung Quốc hiện thuộc sở hữu của các hậu duệ một người Na Uy đã mua nó năm 1937, là khối bất động sản đầu tiên trên đảo Svalbard được mua bán từ năm 1952 và là mảnh đất duy nhất do tư nhân sở hữu. Khi giới truyền thông Na Uy đưa tin về kế hoạch mua bán hồi tháng 4 và người mua có thể là tỷ phú Trung Quốc, ngay lập tức chính phủ bị Quốc hội và các phương tiện truyền thông gây sức ép về việc phải đảm bảo mảnh đất không rơi vào tay người nước ngoài.

“Na Uy không thể mạo hiểm như vậy. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược”, Liv Signe Navarsete, một cựu bộ trưởng đưa ra nhận định. Nữ nghị sỹ này cho biết, Na Uy mở cửa cho đầu tư nước ngoài, nhưng sau khúc mắc với Trung Quốc về giải Nobel Hòa bình 2010, không có lý do gì để chào đón một nhà đầu tư Trung Quốc ở Bắc Cực. Vài năm gần đây, cách hành xử của Trung Quốc là “đóng băng sâu” trong quan hệ với Na Uy “để cho thế giới rằng nếu bạn không làm những gì Trung Quốc muốn, bạn sẽ bị ảnh hưởng”, bà Navarsete nói.

Trước làn sóng cảnh báo, hồi tháng 5-2014, Chính phủ Na Uy công bố sẽ thực hiện giải pháp để đảm bảo đất đai của Svalbard vẫn thuộc về Na Uy. Bộ trưởng Thương mại Monica Maeland cho biết, việc Nhà nước tiếp quản dải đất trên là điều hoàn toàn tự nhiên và đúng đắn. Christin Kristoffersen, Thị trưởng thành phố Longyearbyen cho biết, bà ủng hộ việc Nhà nước mua lại khu vực này để tránh một cuộc chạy đua hỗn loạn trong khai thác tài nguyên ở Bắc Cực. “Chúng ta nên sở hữu hòn đảo này. Đây không phải là chống Trung Quốc mà là ủng hộ Na Uy”.

Tuy vậy, đại diện cho các chủ sở hữu mới đây tuyên bố: “Chúng tôi là người kinh doanh nên sẽ bán cho ai trả giá cao nhất. Nếu Chính phủ cho rằng vùng đất này quan trọng, hãy mua với giá thị trường”. Giá của mảnh đất là một ẩn số với ước tính từ vài triệu đến hơn 1 tỷ USD. Chuyện bán đất ở Bắc Cực là rất hiếm hoi và gần như chưa có tiền lệ. “Giá trị kinh tế trước mắt không đáng kể, nhưng nếu thêm vào giá trị chiến lược, giá của mảnh đất này không thể tính được”, ông Willy Ostreng - chuyên gia nghiên cứu về địa cực cho biết.

Trung Quốc thay đổi chính sách tại Bắc Cực là đáng quan ngại

“Những dự án hợp tác năng lượng khổng lồ giữa Nga và Trung Quốc được ký kết hôm 1-9, đặc biệt là liên quan đến phần lãnh thổ của Nga tại Bắc Cực cho thấy, trước nhu cầu tìm kiếm đối tác mới, Nga đang mở cánh cửa cho Trung Quốc tiến vào khu vực Bắc Cực.

Về lâu dài, chính sách hiệu quả nhất đối với Nga là cân bằng xuất khẩu năng lượng giữa phương Tây và phương Đông để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào và tránh rủi ro. Mặc dù trong ngắn hạn Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chính sách thận trọng đối với Bắc Cực bằng việc tăng cường quan hệ với các quốc gia ở khu vực này và tăng các dự án liên quan đến Bắc cực, nhưng cũng có thể phát triển một chính sách dài hạn quyết đoán hơn.

Tuy nhiên, một số học giả và quan chức Trung Quốc đã mạnh miệng khẳng định tham vọng của nước này. Ví dụ, ông Khúc Thám Trụ, Giám đốc cơ quan Bắc Cực và Nam Cực Trung Quốc nhận định: “Tài nguyên Bắc Cực sẽ được phân bổ theo nhu cầu của thế giới, không phải thuộc sở hữu của một số quốc gia”. Chuẩn Đô đốc Doãn Trác cho rằng “sự tranh giành chủ quyền tại Bắc Cực hiện nay giữa một số quốc gia đã xâm phạm vào lợi ích của nhiều quốc gia khác”. Những tuyên bố đó được trích dẫn rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và nước ngoài càng khiến dư luận quốc tế, trước hết là những quốc gia có chủ quyền tại Bắc Cực quan ngại về những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc ở khu vực này. Cách tốt nhất để giảm thiểu xung đột thời gian tới là cần thiết lập một chế độ pháp lý để quy định về các hoạt động kinh tế cho phù hợp với lợi ích của các bên liên quan”.

(Trích bình luận của Nadezhda Filimonova và Svetlana Krivokhizh - 2 chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học khí tượng thủy văn Quốc gia Nga và Đại học Quốc gia Saint-Petersburg, Nga trên tạp chí The Diplomat hôm 27-9)