Mỹ vẫn duy trì kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc

ANTD.VN -Các cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể tạm ngừng, song Lầu Năm Góc vẫn duy trì kế hoạch nâng cấp các Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vốn được thiết kế để chống lại cuộc tấn công của Triều Tiên nhằm vào Seoul hoặc các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, Trung tướng Sam Greaves cho biết nội dung trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ngoại giao sẽ thành công. Tuy nhiên, song song với đó, chúng tôi vẫn phải thận trọng cung cấp năng lực cần thiết", ông Sam Greaves nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang duy trì kế hoạch thúc đẩy THAAD, cũng như các khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot tầm thấp hơn, đã được triển khai trên bán đảo Triều Tiên.

Đó là sự phối hợp của hòa giải và sức mạnh quân sự mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang cố gắng triển khai dự án trong chuyến  thăm của ông đến Bắc Kinh hôm 26-6, với các điểm dừng chân tiếp theo ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)

Ông Mattis xác nhận tuần trước rằng Mỹ đã đình chỉ một số cuộc tập trận chung sắp diễn ra với Hàn Quốc theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Nhưng việc đình chỉ tập trận không áp dụng cho việc nâng cấp phòng thủ tên lửa dài hạn, ông Greaves cho biết.

Chiến lược phòng thủ quốc gia mới nhất của Mỹ mô tả Triều Tiên đang tìm cách đảm bảo sự sống còn của chế độ và tăng cường sức mạnh đối ngoại bằng cách phát triển hỗn hợp vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học cùng khả năng ngày càng tăng của tên lửa đạn đạo ngày càng để có được ảnh hưởng đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Lầu Năm góc đã thông báo kế hoạch triển khai THAAD từ tháng 7 năm ngoái và khẳng định hệ thống này sẽ "góp phần phòng thủ tên lửa lớp nhằm nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của liên minh trước các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Trung Quốc nói rằng THAAD đe dọa an ninh của nước này trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tố cáo việc triển khai hệ thống trước khi ông được bầu, mặc dù sau này ông cũng chấp nhận hệ thống này khi Triều Tiên đẩy mạnh thử tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân.

Việc nâng cấp cho Thaad và Patriot sẽ tiếp tục "trừ khi chúng tôi nhận được hướng đi khác từ Tổng thống", ông Greaves nói. Vấn đề có thể thay đổi khi ông Mattis đến thăm Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên đang tiến hành nâng cấp nhanh chóng cơ sở nghiên cứu hạt nhân, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn tuyên bố phi hạt nhân theo cảm kết từ hội nghị thượng đỉnh.

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy không chỉ có các hoạt động vẫn tiếp tục tại khu vực nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, mà các công trình cơ sở hạ tầng cũng đang được thực hiện tại đây.

Tuy nhiên, trang mạng 38 North cho rằng không nên xem động thái này là có bất kỳ mối liên hệ nào với cam kết phi hạt nhân của Triều Tiên.

Vòng đàm phán lần 4 về chi phí quốc phòng tổ chức tại Seuol, Hàn Quốc ngày 28-6

Liên quan vấn đề chi phí cho các cuộc tập trận, mặc dù có quyết định đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, Washington vẫn duy trì lập trường rằng Seoul nên chia sẻ chi phí cho việc triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên. Song phía Seoul đã kiên quyết từ chối.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm 28-6, nước này vẫn giữ lập trường cơ bản như trên tại cuộc đàm phán lần thứ 4 tổ chức tại Seoul.

Mỹ giữ vững lập trường rằng Hàn Quốc nên chia sẻ chi phí cho việc triển khai tài nguyên chiến lược trên đánh giá rằng việc ngừng các cuộc tập trận chung hiện tại chỉ là tạm thời. 

Đáp lại, chính phủ Hàn Quốc tái khẳng định, vấn đề triển khai tài nguyên không phải là một chủ đề sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng, được cho là tập trung vào bàn chi phí để giữ chân lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Các quan chức Bộ trên cho biết, hai bên sẽ làm việc để thu hẹp sự khác biệt trong các cuộc thảo luận trong tương lai.

Hai bên thống nhất sẽ tổ chức vòng đàm phán lần 5 tại Mỹ và trung tuần tháng 7 tới, lịch trình cụ thể sẽ được thảo luận thông qua kênh ngoại giao.