Mỹ và Saudi Arabia "hợp tấu" giá dầu, mong Nga lâm vào khủng hoảng?

ANTĐ - Theo tờ “Tin tức phố Wall” (Wall Street Journal) của Mỹ, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga.

Mỹ bắt đầu xuất khẩu dầu, Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác

Trong bài viết đăng ngày 6-1-2016, tờ The Wall Street Journal của Mỹ cho biết, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc không phanh, đạt mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và hiệu suất kinh tế của Trung Quốc suy giảm.

Tính đến 13h45 ngày 6-1 (theo giờ Moscow-MSK), giá dầu tháng 2-2016 cho hỗn hợp dầu Biển Bắc nhãn hiệu Brent giảm gần 4%, xuống đến 35,12 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 35,52 USD/thùng, đã là mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2004.

Ngoài ra, các nhãn hiệu dầu khác cũng giảm xuống, ví dụ như như dầu thô WTI cho tháng 2 cũng tụt xuống còn 35,05 USD/thùng và có thể tiếp tục giảm xuống sâu hơn mức trên 60% như hiện nay.

Nhà phân tích thị trường dầu mỏ Tamas Varga nhận xét rằng, tình hình giá dầu trên thị trường sẽ không có tiến triển khả quan trong ngắn hạn, lượng cầu cũng có xu hướng tiếp tục giảm giảm. Đồng USD mạnh lên và thông tin đáng thất vọng từ Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này.

Theo các nhà phân tích, việc giá dầu xuống thấp mức kỷ lục xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất là do Saudi Arabia và các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục không cắt giảm sản lượng để giảm nguồn cung, kích thích giá tăng lên, trong khi lượng cầu đã giảm, các kho chứa của những nước sản xuất hoặc nhập khẩu dầu đã đầy tràn.

Nguyên nhân thứ 2 là do thông tin Mỹ sắp bước vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới.

Giữa tháng 12-2015, Quốc hội Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, đã áp đặt từ 40 năm qua. Điều này cho phép các công ty sản xuất dầu Mỹ xâm nhập thị trường thế giới, dẫn tới nguồn dầu mỏ bán ra tiếp tục tăng đột biến, dẫn đến tình trạng cung vượt xa cầu.

Giá dầu giảm hơn 60% khiến ngân sách Nga thất thu trầm trọng

Nguyên nhân thứ 3 là các nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng tăng sản lượng cực đại, ví dụ như Nga và Iran. Thậm chí Tehran còn muốn nâng mức sản xuất thêm 500.000 thùng/ngày, đưa tổng lượng khai thác dầu hàng ngày lên tới con số 2 triệu thùng.

Nguyên nhân thứ 4 là, quan hệ căng thẳng giữa hàng loạt các quốc gia Trung Đông với Iran cũng làm trầm trọng thêm tình hình mất giá trên thị trường mua bán dầu mỏ. Xung đột giữa Saudi Arabia, Barahn, Qatar.. với Iran khiến người ta buộc phải lo lắng về nguồn cung dầu ở vùng Vịnh.

Nhiều người cho rằng quan hệ trở nên tồi tệ giữa những thành viên sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, trong khu vực giàu dầu mỏ nhất thế giới, có nghĩa là chắc chắn họ sẽ không giảm khối lượng khai thác dầu và giữ giá - Wall Street Journal viết.

Nước Nga và bài học từ Liên Xô cũ

Trong bối cảnh Mỹ bắt đầu được phép xuất khẩu dầu mỏ, còn OPEC cương quyết không cắt giảm sản lượng, các chuyên gia Nga đang lo lắng cho tương lai của nền kinh tế nước mình, vốn bị các nhà quan sát đánh giá là phụ thuộc tới 50% vào việc xuất khẩu dầu mỏ.

Mới đây, Nga tuyên bố rằng Saudi Arabia đang làm bất ổn thị trường dầu bằng cách tăng sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày, đồng thời cũng gia tăng xuất khẩu dầu mỏ vào thị trường thế giới. Trong bối cảnh giá dầu xuống siêu thấp, đây là điều cực kỳ bất thường.

Các chuyên gia Moscow cho rằng, Mỹ và Saudi Arabia đang hợp lực, tìm mọi cách để làm kinh tế nước này sụp đổ, nếu không cũng phải lâm vào suy thoái trầm trọng lâu dài, gây bất ổn đời sống và tâm lý xã hội, dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Việc Mỹ bắt đầu xuất khẩu dầu và Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác có thể khiến giá dầu giảm hơn nữa, khiến Nga lâm vào tình trạng khó khăn

Bài học xương máu cho chính quyền của ông Putin là vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế bao cấp của Liên bang Xô viết - cũng chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và vũ khí như Nga hiện nay - đã bị chính Mỹ và Saudi Arabia phối hợp làm suy thoái trầm trọng.

Ngoài việc đánh phá giá đồng USD tới gần 30%, Mỹ và Saudi Arabia cũng tăng lượng khai thác lên gấp 5 lần, từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng, khiến giá dầu thế giới giảm tới gần 55%, từ xấp xỉ 30USD/thùng, xuống còn hơn 10USD/thùng, tương đương sự lao dốc của giá dầu hiện nay.

Giá dầu giảm cùng với sự mất giá của đồng USD khiến doanh thu thực tế từ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm trầm trọng, cùng với lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao của phương Tây tăng vọt, khiến nền kinh tế Liên Xô mất cân bằng trầm trọng và lâm vào khủng hoảng.

Vấn đề này được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến Liên bang Xô viết sụp đổ, bên cạnh một số nguyên nhân khác như đường lối cải tổ kinh tế và chính trị sai lầm, một số cá nhân lãnh tụ đi theo đường lối theo phương Tây hay sự thành công của chiến lược Diễn biến Hòa bình của Mỹ…

Một số chuyên gia Nga đã cảnh báo chính quyền của Tổng thống Putin rằng, nước Nga hiện đang lâm vào tình trạng tương đối giống Liên Xô 30 năm về trước. Điện Kremlin cần phải tìm cách khắc phục, để tránh giẫm vào "vết xe đổ".

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, không thể khẳng định rằng kinh tế Nga sẽ khủng hoảng, dẫn đến sụp đổ về chính trị giống như Liên Xô trước đây. 

Các chuyên gia Nga khuyến nghị Điện Kremlin cần đẩy mạnh hơn nữa chiến lược cải tổ cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế có hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế để phá thế bao vây, cấm vận của phương Tây.