Mỹ và NATO "bủa vây" Nga bằng chiến lược "Đông tiến"

ANTD.VN - Không chỉ gia tăng áp lực bằng trừng phạt kinh tế và ngoại giao, Mỹ cùng liên minh quân sự NATO còn tiếp tục “bủa vây” Nga bằng chiến lược “Đông tiến” đưa vũ khí và binh sĩ áp sát biên giới nước Nga từ nhiều hướng.

Binh sĩ đến từ 31 quốc gia tham gia cuộc tập trận Trident Juncture 2018 lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh của NATO

Bộ Tài chính Mỹ ngày 19-12 bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 18 cá nhân và 4 thực thể có liên quan đến Nga nhằm trả đũa cho cáo buộc như can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 cùng những “hành động sai trái khác”. Trong số các cá nhân bị trừng phạt có kế toán trưởng của một công ty Nga được cho là có liên quan đến các hoạt động chiến tranh thông tin, 2 công dân Nga Alexander Mishkin và Anatoliy Chepiga - được cho là sĩ quan tình báo Nga có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh.

Đòn trừng phạt trên không phải là động thái căng thẳng duy nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Nga trong thời điểm hiện nay. Trả lời phỏng vấn Hãng tin Nga RIA Novosti cùng ngày 19-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Grigory Karasin cảnh báo, Mátxcơva sẵn sàng đáp trả thích đáng sự hiện diện quân sự quá mức của Mỹ tại Ukraine. 

Cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra trong khi Mỹ gia tăng mạnh sự hợp tác quân sự cùng sự hiện diện quân sự tại Ukraine sau cuộc khủng hoảng đầu năm 2014 như triển khai lực lượng huấn luyện ở nhiều nơi để huấn luyện cho quân đội Ukraine. Trong khi đó, tàu chiến Mỹ thường ra vào các cảng của Ukraine ở Biển Đen và máy bay chiến đấu của Mỹ cũng đã tới các căn cứ quân sự ở Ukraine để tham gia các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước. 

Đáng chú ý, vào mùa hè năm 2017, quân đội Mỹ bắt đầu xây dựng một trung tâm kiểm soát chiến dịch cho Hải quân Ukraine tại Cảng Ochakiv bên bờ Biển Đen, gần bán đảo Crimea. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nhìn nhận rằng, khả năng xuất hiện một căn cứ quân sự Mỹ tại Ukraine sẽ không tránh khỏi việc khiến tình hình an ninh xuống cấp hơn nữa và có tác động rất tiêu cực đến triển vọng giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine.

Liên tiếp áp đặt các đòn trừng phạt kinh tế với những cáo buộc khác nhau cùng tăng cường sự hiện diện về quân sự của Mỹ tại khu vực sát liền với biên giới nước Nga cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc này đã chẳng thể được cải thiện như tuyên bố khi tranh cử của ông Donald Trump. Nói cách khác, tuyên bố “cài đặt lại quan hệ Mỹ - Nga” chỉ là mong muốn khi tranh cử, còn khi thực sự nắm quyền ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã không thể làm khác các chính quyền tiền nhiệm khi mà giữa hai cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích chiến lược toàn cầu này có quá nhiều xung đột và mâu thuẫn đối đầu.

Trừng phạt kinh tế và gia tăng hiện diện quân sự tại các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây và hiện có chung biên giới với Nga, lộ rõ chiến lược “bủa vây” nước Nga của Washington. Chiến lược “Đông tiến” của NATO sau Chiến tranh Lạnh dù không còn ráo riết như trước, song vẫn từng bước đưa binh sĩ cùng vũ khí của Mỹ và NATO áp sát biên giới nước Nga.

Ngoài “trọng điểm” Ba Lan đang xây dựng căn cứ cho một sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú với trị giá khoảng 2 tỷ USD, quân Mỹ và NATO đã hiện diện từ các quốc gia phía Nam nước Nga như Gruzia tới Ukraine và lên tới 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva... Cuối tháng 10 vừa qua, NATO đã tổ chức ở Na Uy cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh mang tên Trident Juncture 2018 với sự tham gia của 50.000 binh sĩ, 10.000 xe quân sự, 65 tàu chiến và 25 máy bay đến từ 31 nước.