Mỹ - Trung tìm tiếng nói chung trong lúc "đình chiến thương mại"

ANTD.VN - Mỹ - Trung đã có cuộc đàm phán đầu tiên sau khi lãnh đạo hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày để tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai có thể cùng chịu tổn hại.

Mỹ - Trung tìm tiếng nói chung trong lúc "đình chiến thương mại" ảnh 1Hơn 100 quan chức các bộ, ngành Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán thương mại với Mỹ tại Bắc Kinh trong 2 ngày 7 và 8-1

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 7-1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, nước này và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận tốt liên quan các vấn đề thương mại trước mắt, trong khi một thỏa thuận về các vấn đề cơ cấu thương mại và việc thực thi sẽ “khó khăn hơn”. Ông Ross cho rằng, vòng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh sẽ giúp xác định liệu các bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể được giải quyết thông qua đàm phán hay không.

Tuyên bố mang dấu hiệu tích cực của Bộ trưởng Ross được đưa ra khi hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đàm phán thương mại trong hai ngày 7 và 8-1 tại Thủ đô Bắc Kinh. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina đầu tháng 12-2018 đã cùng nhất trí sẽ “đình chiến thương mại” trong vòng 90 ngày.

Quyết định này mở ra thời gian “hưu chiến” trong 3 tháng để Mỹ và Trung Quốc ngồi lại đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại nhằm tránh các đòn trừng phạt thuế quan với hàng hóa nhập khẩu của nhau. Trong trường hợp đàm phán thất bại, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá khoảng 200 tỷ USD của Trung Quốc nhập vào Mỹ, và đáp lại có thể là đòn trả đũa tương xứng từ phía Bắc Kinh.

Một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nổ ra chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế vốn vẫn dựa rất lớn vào xuất khẩu của Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề mà tác động tiêu cực của nó đã thấy rõ từ nửa cuối năm 2018 vừa qua khi số lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế cao mới chỉ vài chục tỷ USD. Với kinh tế Mỹ, dù nhẹ hơn song cũng phải chịu những thiệt hại không nhỏ, nhất là những “ông lớn” xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cuộc đàm phán đầu tiên ở Bắc Kinh vì thế được cả Trung Quốc và Mỹ cùng rất coi trọng với trông đợi đạt được tiến triển thực chất, mở đường cho hai bên đi tới thỏa thuận cuối cùng tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Thông tin trong ngày họp đầu tiên cho thấy có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là người phụ trách các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Phái đoàn Trung Quốc có mặt trong phòng đàm phán cũng lên tới hơn 100 người càng cho thấy Bắc Kinh coi trọng thế nào cuộc đàm phán này.

Tín hiệu lạc quan từ phía Mỹ và việc đánh giá rất cao từ phía Trung Quốc tạo bầu không khí tích cực cho cuộc đàm phán trong thời gian “đình chiến thương mại” giữa hai nước. Song điều đó không có nghĩa là hai bên có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung, đi tới thỏa thuận nhằm tháo “ngòi nổ” chiến tranh thương mại quy mô lớn. Bởi điều quyết định then chốt vẫn là sự “mặc cả” giới hạn nhượng bộ cuối cùng của cả hai bên.

Thành bại của cuộc đàm phán thương mại không chỉ tác động to lớn tới thương mại mà rộng ra là cả nền kinh tế hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cũng như cả thế giới nói chung. Điều này phần nào có thể thấy trong cuộc họp báo đầu tiên của năm mới 2019 diễn ra ngày 7-1, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản - nhóm vận động kinh doanh lớn nhất đất nước “Mặt trời mọc” - đã phải cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu, trong đó đương nhiên có nước Nhật.