Mỹ - Trung tháo "ngòi nổ" chiến tranh thương mại

ANTD.VN - Hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách tháo “ngòi nổ” cuộc chiến tranh thương mại khi nối lại đàm phán đã gián đoạn gần 3 tháng qua.

Mỹ - Trung tháo "ngòi nổ" chiến tranh thương mại ảnh 1Đàm phán dù chưa giải quyết được tranh chấp song góp phần giúp giảm bớt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Cuộc đàm phán về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu đã bắt đầu cuộc thương thảo trong 2 ngày 22 và 23-8-2018 tại Thủ đô Washington của Mỹ. Cuộc đàm phán này diễn ra khi Washington đã “khơi mào” cho khả năng nổ ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước bằng quyết định áp thuế cao lên số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc nhập vào Mỹ từ 11h ngày 23-8 (theo giờ Việt Nam). 

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp thương mại sau thất bại của cuộc đàm phán do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu tại Thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 6 vừa qua. Kể từ đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang với các biện pháp trả đũa “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” áp thuế cao chót vót lên hàng hóa của nhau.

Từ khi tranh cử cũng như sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump luôn cáo buộc Trung Quốc duy trì những chính sách “không thể chấp nhận với hàng hóa của Mỹ”, đồng thời cam kết gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi các chính sách kinh tế, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt hỗ trợ công nghiệp và mở cửa thị trường cho cạnh tranh nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc của Washington, khẳng định nước này luôn tuân thủ mọi quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Trong bối cảnh đó, đòn trừng phạt đầu tiên được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa  ra ngày 6-7 khi áp đặt mức thuế cao đối với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả với tuyên bố áp đặt thuế đối với lượng hàng hóa lên tới 60 tỷ USD từ Mỹ. 

Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ còn có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh thương mại khốc liệt bởi Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo sẵn sàng áp thêm mức thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ. Nếu cảnh báo của ông Donald Trump thành hiện thực, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, tức là bằng tổng lượng hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ trong cả năm 2017. 

Cuộc chiến tranh thương mại “tổng lực” giữa Mỹ và Trung Quốc nếu thực sự nổ ra sẽ gây hậu quả khủng khiếp cho không chỉ nền kinh tế hai quốc gia này mà cả kinh tế toàn cầu. Dù giảm thâm hụt thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ hiện nay, song rõ ràng Tổng thống Donlad Trump cũng thừa hiểu đây là cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”. Ông phải tính toán, cân nhắc sao cho gây áp lực tới mức đủ để buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) phải “lùi bước”, nhưng không căng tới mức “đứt dây” làm bùng phát chiến tranh thương mại.

Cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ-Trung Quốc trong 2 ngày 22 và 23-8 là động thái được cho nhằm “xì” bớt căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc này là chính chứ khó có thể đi tới một thỏa thuận nào. Đây cũng là một cuộc chiến cân não trên bàn đàm phán giữa hai bên bởi ai cũng muốn nhượng bộ tối thiểu để đạt được mục tiêu tối đa. Song dù sao thì ngồi lại đàm phán với nhau cũng tốt hơn là tung ra các đòn trừng phạt thương mại để trả đũa lẫn nhau.