Mỹ - Triều Tiên vẫn còn khác biệt lớn về các điều khoản thỏa thuận hạt nhân

ANTD.VN - Mặc dù, những tuyên bố hoà dịu từ hai phía có thể làm sống lại kế hoạch hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phải vượt qua những khác biệt lớn về một thỏa thuận hạt nhân. Các tuyên bố của mỗi bên sẽ xác định liệu hai nhà lãnh đạo có thể ngồi lại với nhau hay không.

Trung tâm của những tuyên bố tiêu cực của Triều Tiên khiến Tổng thống Mỹ D.Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh là sự khác biệt cơ bản về quan điểm tiến tới phi hạt nhân hóa. Việc điều chỉnh những quan điểm có thể quyết định sự thành công của các cuộc gặp trong tương lai và cả tính khả thi của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim.

Tổng thống D.Trump, trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim hôm 24-5, đã đổ lỗi cho Bình Nhưỡng đã làm hỏng hội nghị thượng đỉnh ngày 12 - 6 tại Singapore. Nhưng Tổng thống Trump đã thay đổi giọng điệu sau khi Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đưa ra những tuyên bố không phải đe dọa mà khen ngợi Tổng thống và để ngỏ cánh cửa cho hội nghị thượng đỉnh.

Tiếp đó, ngày 26-5, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tổ chức một cuộc họp bất ngờ để thảo luận việc thực hiện các cam kết hòa bình đạt được trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên và về hội nghị thượng đỉnh ngày 12-6.

Lập trường cơ bản của Triều Tiên không thay đổi, ngay cả khi có sự thay đổi giọng điệu. Thứ trưởng Kim Kye Gwan giải thích rằng, việc gọi Phó Tổng thống Mike Pence là một "kẻ ngu ngốc" và cảnh báo về một cuộc đối đầu hạt nhân là phản ứng với "những nhận xét không kiềm chế" của phía Mỹ, gây sức ép để Triều Tiên đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân.

Đối với những người quan sát, đó là một cuộc bùng nổ ngoại giao được chờ đợi kể từ khi Tổng thống Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim.  Mỹ và Triều Tiên có khác biệt lớn về phi hạt nhân hóa. Christopher Hill, nhà đàm phán chính của Mỹ với Triều Tiên thời chính quyền George W. Bush, cho rằng, thực tế là Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ tất cả vũ khí như lời hứa, và Mỹ chưa sẵn sàng giảm bớt các biện pháp trừng phạt cho đến khi tất cả mọi thứ đã được thực hiện.

Đối với Triều Tiên, việc so sánh với "mô hình Libya" là một sự so sánh khiêu khích vì hai lý do. Thứ nhất, nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi đã bị giết sau hành động quân sự do Mỹ tài trợ 7 năm sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân. Thứ hai, Libya đã từ bỏ chương trình non trẻ của mình - kém tiến bộ hơn so với Triều Tiên - trước khi nhận được bất kỳ lợi ích nào.

Triều Tiên đang hướng tới một thỏa thuận khác. Cựu cố vấn cấp cao của Lầu Năm Góc về Triều Tiên Frank Aum cho rằng, Triều Tiên tìm kiếm một tiến trình theo từng giai đoạn, trong đó mỗi bên có các bước đi tiến bộ và đồng bộ hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình. Triều Tiên đã dành nhiều thập kỷ xây dựng khả năng hạt nhân và tên lửa để ngăn chặn Mỹ, vì vậy vẫn còn những hoài nghi liệu Triều Tiên thực sự muốn từ bỏ những vũ khí đó hay chưa?

Đối với chính quyền của ông Trump, một tiến trình theo từng giai đoạn gợi lại các thỏa thuận viện trợ - giải trừ không thành công trong quá khứ với Triều Tiên, mặc dù chính Tổng thống Trump - trước khi hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh - không loại trừ một cách tiếp cận tiệm tiến. Điều đó cho thấy sự linh hoạt từ phía Tổng thống Trump, rõ ràng mong muốn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ gặp đối tác Triều Tiên và thậm chí mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.

Những gì cần thiết ngay bây giờ là những điều đáng lẽ đã xảy ra ngay từ đầu trước khi Tổng thống Trump đồng ý cuộc gặp thượng đỉnh. Đó là  nỗ lực của các quan chức để cố gắng và thu hẹp khoảng cách lớn giữa hai bên, một khoảng cách mà dường như chưa được thu hẹp mặc dù Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thực hiện hai chuyến đi hiếm hoi đến Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Kim.