Mỹ - Triều Tiên: Không ai muốn khép lại cánh cửa đối thoại

ANTD.VN - Mặc dù cáo buộc các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng Washington vẫn khẳng định để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên ngày 9-5-2019

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong 4 ngày bắt đầu từ 25-5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nêu rõ, bất chấp việc Triều Tiên thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, Mỹ sẽ không thay đổi lập trường của mình so với những gì đã vạch ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội và mong muốn tiếp tục đối thoại với Triều Tiên.

Định hướng lớn trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã được xác định trong Tuyên bố chung ký giữa lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6-2018. Nội dung của tuyên bố thì nhiều, nhưng bao trùm lên chỉ gồm 2 điểm chính có quan hệ mật thiết với nhau: phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này. 

Diễn giải hai yêu cầu này không khó. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên tức là Bình Nhưỡng phải chấm dứt tất cả những gì có liên quan đến loại vũ khí này, từ sản xuất, tàng trữ đến sử dụng, mua bán. Còn nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên thì đồng nghĩa với việc phải chấm dứt tất cả mọi sự đối đầu, thù địch; phải loại bỏ mọi nguy cơ xung đột giữa các bên liên quan, tức là từ phía Mỹ là chính.

Tuy nhiên, đi vào thực hiện thì không đơn giản bởi cách tiếp cận của hai phía. Theo logic thông thường, việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ phải được tiến hành song song và đồng thời với việc nới lỏng trừng phạt từ phía Mỹ. Thế nhưng, Mỹ cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt hiện nay sẽ tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí. Do đó, Mỹ sẽ không rút lại lệnh trừng phạt trừ phi tiến trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất.

Yêu cầu có tính tiên quyết của Washington đã khiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai hồi tháng 2 vừa rồi kết thúc mà không có thỏa thuận nào. Trong bối cảnh đàm phán bế tắc, việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn là lời cảnh báo rằng Bình Nhưỡng không chịu ngồi “chiếu dưới” trong quá trình đàm phán. 

Tất nhiên, những động thái quân sự liên tiếp của Bình Nhưỡng đã khiến bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt sau một thời gian dài bình yên khi Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhưng liệu thái độ cứng rắn từ cả hai phía có đưa Mỹ và Triều Tiên quay trở lại trạng thái đối đầu và thù địch như quá khứ? 

Có thể thấy quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã đi được một quãng đường khá dài, chắc chắn không bên nào muốn quay lại vạch xuất phát sau khi đã vượt qua nhiều trở ngại đến vậy. Quá khứ cũng là lời cảnh báo với cả Washington lẫn Bình Nhưỡng rằng, hậu quả của sự đổ vỡ sẽ là rất lớn và nguy hiểm. 

Chính vì thế, dù không đạt được thỏa thuận nào tại Hội nghị thượng đỉnh lần hai nhưng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đưa ra cam kết về việc không tiếp tục thử hạt nhân. Về phía Mỹ, Tổng thống  Donald Trump khẳng định sẽ không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục đối thoại với Triều Tiên. Washington cho rằng đã nêu một cách rõ ràng các mục tiêu của mình và nay đang “bình tĩnh” chờ đợi quan điểm lập trường của Bình Nhưỡng về các cuộc gặp tiếp theo.

Chưa ai có thể dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ có cuộc tiếp xúc nào nữa giữa    Washington và Bình Nhưỡng. Nhưng có điều chắc chắn là khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết khi hai bên có niềm tin vào nhau. Mà để có niềm tin thì phải đối thoại chứ không thể đóng tất cả con đường tiếp xúc ngoại giao.