Mỹ tỏ rõ cứng rắn đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông

ANTĐ - Trong động thái “bất thường” chưa từng thấy trong 4 năm qua, Mỹ đồng loạt triển khai số cụm tàu sân bay chiến đấu nhiều nhất, trong đó có cụm tàu sân bay USS John C. Stennis “đặc trách” tuần tra trên Biển Đông.

Biên đội tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tiến về Biển Đông để chuyên trách đảm nhiệm tuần tra tại vùng biển chiến lược này

Hải quân Mỹ ngày 7-6 cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2012, hải quân nước này đã triển khai đồng thời 4 cụm tàu sân bay tấn công tại nhiều khu vực trên thế giới, chưa kể 2 cụm tàu sân bay đang thực hiện các nhiệm vụ trong nước. Theo đó, sau khi tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower rời Mỹ lên đường làm nhiệm vụ ngày 1-6, cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng rời căn cứ ở Yokosuka (Nhật Bản) ngày 4-6 tiến ra Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tàu sân bay USS Harry S. Truman đang hoạt động tại phía Đông Địa Trung Hải để tham gia cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, còn tàu sân bay USS John C. Stennis vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Ngoài ra, 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS George Washington đang hoạt động lần lượt ở ngoài khơi bờ biển phía Tây và phía Đông nước Mỹ.

Như vậy, với tổng cộng 6/10 tàu sân bay trong biên chế đang được triển khai, hải quân Mỹ hiện có tỷ lệ triển khai tàu sân bay cao nhất trong nhiều năm qua. Theo phát ngôn viên hải quân Mỹ, lần cuối cùng Mỹ triển khai đồng loạt 4 cụm tàu sân bay ở nước ngoài là vào thời gian từ cuối tháng 8-2012 đến đầu tháng 10-2012 và kéo dài trong 8 tuần.

Việc Mỹ triển khai các cụm tàu sân bay - biên đội tàu chiến mạnh nhất của hải quân Mỹ, đồng thời được xem là có sức mạnh quân sự lớn nhất của lực lượng hải quân trên thế giới hiện nay - diễn ra khi các đối thủ hải quân chính của Washington là Nga và Trung Quốc đều đã đẩy mạnh triển khai lực lượng trên các đại dương.

Trong đó, dù không căng sức triển khai toàn cầu như hải quân Nga, song hải quân Trung Quốc lại đang tập trung và ngày càng tỏ ra hung hăng tại phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh đang leo thang đòi chủ quyền phi lý.

Những hành động của Trung Quốc thể hiện sự cậy thế sức mạnh và nguy hiểm như cưỡng chiếm rồi bồi đắp, xây dựng hàng loạt bãi đá, rạn san hô ngầm ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo, trong đó có đảo nhân tạo lớn tới mức xây được cả đường băng dài 3.000m như Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hành động hung hăng, quân sự hóa của Trung Quốc đang đe dọa tới tự do, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông cũng như an ninh và ổn định của cả khu vực.

Mỹ với tuyên bố cứng rắn là đảm bảo tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đã triển khai lực lượng hải quân để thực hiện tuyên bố này, trong đó đã không dưới một lần đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp, một cách để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Dù hải quân Mỹ không tuyên bố đích đến của tàu sân bay USS Ronald Reagan, song các nguồn tin cho biết chiếc tàu sân bay tải trọng 104.000 tấn, chở 90 máy bay chiến đấu cùng biên đội tàu khu trục hộ tống hiện đại của hải quân Mỹ này sẽ đến Biển Đông để tiếp nối nhiệm vụ “chuyên trách” của tàu USS John C. Stennis đã tiến hành tuần tra tại đây từ tháng 1-2016 và sẽ rời đây để tới quần đảo Hawaii tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đầu tháng 7 tới.

Như vậy, trước khi tàu USS John C. Stennis rời đi, cả hai tàu sân bay thuộc lớp Nimitz hiện đại nhất của hải quân Mỹ cùng hiện diện trên Biển Đông.