Mỹ “sờ gáy” ngân hàng châu Âu

ANTĐ - Việc Ngân hàng BNP Paribas của Pháp buộc phải chấp nhận trả số tiền kỷ lục gần 9 tỷ USD cho Mỹ trong khi nhiều ngân hàng khác ở châu Âu bị Washington “sờ gáy” đã làm dấy lên mối nghi ngờ về cuộc chiến ngân hàng  giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Ông Georges Dirani - Trưởng nhóm luật sư của Ngân hàng BNP Parisbas - tại tòa án bang New York ở Manhattan

Ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas ngày 1-7 vừa qua đã buộc phải chấp nhận nộp cho chính quyền Mỹ số tiền phạt 8,9 tỷ USD để tránh bị xét xử tại một tòa án của bang New York đặt tại Manhattan với cáo buộc đã giao dịch với các quốc gia nằm trong danh sách cấm vận của Washington. Đây được coi là mức phạt kỷ lục với một ngân hàng nước ngoài.

Thỏa thuận nộp phạt trên còn buộc ngân hàng BNP Paribas phải thừa nhận có tội khi giao dịch với các nước nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ như Cuba, Iran, Sudan. Trước đó, kết quả cuộc điều tra mà giới chức Mỹ tiến hành cho rằng ngân hàng BNP Paribas đã thực hiện các giao dịch trị giá hơn 100 tỷ USD, trong đó 30 tỷ USD đã được che đậy để tránh lệnh cấm vận của Washington.

Ngân hàng BNP Paribas cực chẳng đã phải nộp phạt, sau nhiều tháng trời mặc cả giữa Paris và Washington. Trong đó, đích thân Tổng thống Pháp François Hollande đã có lần trực tiếp nêu vấn đề này với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một bữa ăn tối ở Paris khi nhấn mạnh rằng, vụ việc “rất quan trọng đối với châu Âu và nước Pháp” và việc BNP Paribas suy yếu sẽ “tạo ra một tác động tiêu cực tới nền kinh tế châu Âu và Pháp”. 

Việc chính quyền Mỹ phớt lờ Paris, buộc ngân hàng BNP Paribas - một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất châu Âu - phải nộp số tiền phạt kỷ lục khiến nhiều nhà quan sát cho rằng Washington muốn làm suy yếu ngành tài chính của cựu lục địa nhằm chiếm lợi thế cạnh tranh. Cơ sở cho hoài nghi này là có những thông tin về việc Mỹ nới lỏng cấm vận chống Iran, trong khi BNP Paribas là một trong những ngân hàng có uy tín với Tehran.

Không chỉ có BNP Paribas mà nhiều ngân hàng lớn khác của châu Âu hiện cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của Washington. Hiện các cơ quan chức năng Mỹ gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang (FED) và Cơ quan dịch vụ tài chính bang New York đã vào cuộc nhằm điều tra các hoạt động giao dịch trị giá hàng tỷ USD của các ngân hàng châu Âu với các nước nằm trong diện trừng phạt kinh tế của Mỹ như Iran, Sudan, Cuba, Syria và CHDCND Triều Tiên. 

Tiến trình điều tra trên đã được khởi động từ năm 2009 tập trung vào các ngân hàng châu Âu hàng đầu như Societe Generale và Credit Agricole của Pháp, Deutsche Bank và Commerzbank của Đức, UniCredit của Italia. Trong đó, Deutsche Bank - ngân hàng lớn nhất Đức đang bị điều tra về các hoạt động giao dịch với các đối tác ở Sudan, Iran và Syria - có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 3,3 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, vụ “trừng phạt” BNP Paribas càng làm gia tăng lo ngại về việc Mỹ đang đặc biệt “chú ý” tới các ngân hàng châu Âu.