Mỹ sẵn sàng kiểm soát súng đạn?

ANTĐ - Sau vụ thảm sát ngày 12-6 tại Orlando khiến gần 50 người thiệt mạng, Thượng viện Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch tiến hành cuộc bỏ phiếu về các biện pháp kiểm soát súng đạn. Mặc dù ít có khả năng các chính sách mới sẽ được đưa ra trong ngắn hạn, nhưng vụ xả súng cùng những lời kêu gọi chính quyền hành động của ứng cử viên Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Donald Trump đã khiến nhiều người cho rằng việc ban hành các đạo luật tăng cường kiểm soát súng đạn - vốn từng bị coi là bất khả thi - nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.

Hiện trường vụ thảm sát ở Orlando

Phe Dân chủ ủng hộ 

Thượng nghị sĩ bang Connecticut Chris Murphy và các đồng minh trong Đảng Dân chủ đã làm nóng bầu không khí ở Thượng viện với các bài phát biểu kéo dài 15 giờ đồng hồ liên tục, yêu cầu Thượng viện nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề kiểm soát súng đạn. Các nhà lập pháp đã nhắc lại cam kết của Đảng Cộng hòa về việc sớm tổ chức một cuộc bỏ phiếu để mở rộng quy mô hoạt động kiểm soát thông tin của những người mua súng và cấm các cá nhân có tên trong danh sách nghi can khủng bố của Mỹ mua bán vũ khí.

Phát biểu tại Orlando, Tổng thống Obama đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch bỏ phiếu ở Thượng viện về vấn đề này, ông nói: “Những người ủng hộ để cho các vụ tấn công vũ trang như thế này có thể dễ dàng xảy ra nên gặp gỡ các gia đình nạn nhân ở đây và giải thích tại sao họ lại chấp nhận để điều đó xảy ra”.

Tuy nhiên, theo Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn, mặc dù Thượng viện dự kiến bỏ phiếu vào ngày 19-6, song mọi quyết định vẫn sẽ cần phải được bàn thảo. Trong cuộc họp báo hàng tuần của mình, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng đã đưa ra cảnh báo: “Sẽ không tước đi bất cứ quyền công dân nào khi chưa xem xét cụ thể”.

Trong khi đó, ông Donald Trump, người được coi là sẽ đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào ngày 8-11 tới đồng thời là ứng cử viên được Hiệp hội súng đạn quốc gia (NRA) hậu thuẫn, cũng đã tham gia các cuộc tranh luận này.

Ông Trump tuyên bố sẽ gặp gỡ các quan chức NRA để thảo luận về lệnh cấm mua bán vũ khí áp đặt đối với những cá nhân nằm trong danh sách tình nghi khủng bố của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ vẫn rất hoài nghi về khả năng tuyên bố của ông Trump thực sự phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của Đảng Cộng hòa theo hướng có lợi cho những đề xuất kiểm soát súng đạn mà Đảng Dân chủ ủng hộ. 

Người Mỹ đã sẵn sàng?

Ngày 13-6, một ngày sau vụ thảm sát tại hộp đêm Orlando, các nhà đầu tư quay lại đặt cược vào sự thịnh vượng của công việc kinh doanh súng đạn. Các chỉ số chứng khoán của hai nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, Smith & Wesson và Sturm Ruger đã tăng lần lượt là 6,9% và 8,5%. Hiện tượng này đã tái diễn trong những năm qua. Theo các con số chính thức, hơn 9 triệu khẩu súng và các loại vũ khí khác đã được sản xuất ở Mỹ trong năm 2014 so với con số 5,5 triệu vào năm 2009, khi ông Obama bắt đầu lên nắm quyền.

Theo nghiên cứu của Hãng IBISWorld, năm 2012 ông Obama tái đắc cử Tổng thống, đây cũng là năm kỷ lục của ngành vũ khí khi doanh thu tăng gần 19 lần. Nghiên cứu cho biết nhiều khách hàng tìm mua sản phẩm do lo ngại việc mua vũ khí trong tương lai có thể khó khăn hơn.

Kiểm soát súng đạn là một vấn đề gây tranh cãi trong chính giới Mỹ. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa hiện đang nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội đã cản trở những biện pháp kiểm soát vũ khí mà Đảng Dân chủ ủng hộ trong những năm qua, cho rằng Đảng Dân chủ đang xâm phạm quyền sở hữu vũ khí được Hiến pháp Mỹ bảo vệ.

Hàng loạt vụ xả súng diễn ra trên khắp nước Mỹ, tại các trường học, nhà thờ, rạp chiếu phim và những nơi công cộng khác đều chưa thể phá vỡ sự bế tắc này. Biện pháp kiểm soát súng đạn đáng kể nhất gần đây là lệnh cấm được ban hành năm 1994, theo đó cấm mua bán và sử dụng các loại vũ khí bán tự động như loại súng được sử dụng trong vụ thảm sát tại 

Orlando hôm 12-6. Lệnh cấm này đã hết hạn vào năm 2004, song có vẻ như người Mỹ đã sẵn sàng với việc hạn chế các loại súng cầm tay sau khi 49 nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc kinh hoàng vừa qua ở Orlando, mặc dù đây có thể chỉ là phản ứng tức thời của dư luận trước vụ thảm sát bằng súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò do Hãng Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 13 đến 16-6, khoảng 71% người Mỹ, trong đó có 8/10 nghị sĩ Đảng Dân chủ và 6/10 nghị sĩ Đảng Cộng hòa được hỏi, ít nhất đều ủng hộ việc áp đặt các quy định hạn chế việc mua bán hay sử dụng súng đạn. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những điều tương tự từng diễn ra tại Thượng viện Mỹ vào tháng 12-2015, sau vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của 14 người ở San Bernardino, bang California. Các đề xuất mà nghị sĩ Đảng Dân chủ 

Dianne Feinstein và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Cornyn đưa ra để hạn chế việc bán vũ khí cho những kẻ nằm trong danh sách tình nghi khủng bố đã không được thông qua. Do vậy, nếu lần này điều tương tự lặp lại ở Thượng viện, hẳn cũng sẽ không làm nhiều người ngạc nhiên!