Mỹ ra sức kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga vào lĩnh vực năng lượng châu Âu

ANTĐ -  Mỹ đang gây sức ép chính trị với Hungary nhằm ngăn chặn nước này bán cổ phần tại tập đoàn năng lượng lớn nhất Croatia cho Nga, điều mà phương Tây lo ngại sẽ tăng tầm ảnh hưởng của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu.

Mỹ đang tỏ ra lo lắng với việc Hungary và Nga tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, điều có thể sẽ làm hao mòn nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Moscow sau những sự kiện diễn ra tại Ukraine.

Kể từ tháng 9, Hungary đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và cam kết ủng hộ việc xây dựng đường dẫn khí đốt South Stream của Nga.

Mỹ ra sức kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga vào lĩnh vực năng lượng châu Âu ảnh 1

Mỹ muốn giảm sự ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, nhất là trong lĩnh vực năng lượng

Giới chức Mỹ hiện giờ lại đang lo lắng việc công ty năng lượng MOL của Hungary sẽ bán đi 49% cổ phần của mình trong NIA, công ty năng lượng lớn nhất Croatia, cho một công ty của Nga, có thể là Gazprom. Chính quyền Hungary hiện đang nắm giữ 24,7% cổ phần của MOL.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, Amos J. Hochstein đã có cuộc gặp mặt với Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto ở Washington vào đầu tháng 11. Người đại diện của Mỹ cho biết buổi toạ đàm này đã có kết quả tích cực về các vấn đề quyền sở hữu công ty MOL, đường dẫn khi đốt South Stream và việc Hungary cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Mỹ cho rằng việc mua lại cổ phần của NIA, Croatia là một công cụ chính trị của Moscow. Nếu Gazprom sở hữu được công ty năng lượng này, Nga sẽ có một vị trí chiến lược và tạo ra ảnh hưởng lớn đến các nước EU.

Mỹ cũng đã cử thượng nghị sĩ Chris Murphy đến vận động chính phủ Croatia ngăn chặn hành động thâu tóm công ty năng lượng lớn nhất nước này.

Gazprom không hề giấu diếm việc muốn mua lại cổ phần của công ty NIA. Trên thực tế, một cuộc đối thoại giữa Croatia, tập đoàn Gazprom và tập đoàn Rosneft về vấn đề này đã diễn ra vào tháng 3, tuy nhiên chưa đạt được chuyển biến gì quan trọng.  Nếu Gazprom mua được 49% cổ phần của NIA từ Hungary, họ cũng có thể mua thêm 5% cổ phiếu khác từ thị trường chứng khoán Zagreb, nhằm nắm toàn quyền điều khiển công ty năng lượng của Croatia.

Hungary và Croatia hiện đang có tranh chấp về cổ phần ở công ty năng lượng NIA và Hungary đã từng tỏ ý muốn bán đi cổ phần ở NIA, tuy nhiên, không nêu đích danh tên các khách hàng tiềm năng.