Mỹ ra đòn trừng phạt Trung Quốc

ANTD.VN - Ngày 29-6, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một quyết định thể hiện sự cứng rắn đối với phía Trung Quốc khi đưa Ngân hàng Đan Đông Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc làm ăn với Triều Tiên; đồng thời thông qua thỏa thuận bán vũ khí trị giá tới 1 tỷ USD cho Đài Loan. Theo giới phân tích, quyết định này của Washington là một động thái nhằm “dằn mặt” Trung Quốc trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên  - quốc gia từ lâu được cho là nằm dưới sự bảo trợ mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Ngoài các trừng phạt đối với Ngân hàng Đan Đông, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho vào danh sách đen 1 công ty và 2 cá nhân Trung Quốc liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Mỹ ra đòn trừng phạt Trung Quốc ảnh 1Ông Donald Trump cho biết dù rất cảm kích các nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc gỡ nút thắt Triều Tiên, song mọi chuyện lại không diễn ra như trông đợi

Những động thái cứng rắn

Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất cấm mọi cá nhân và tổ chức của Mỹ giao dịch với Ngân hàng Đan Đông có trụ sở tại phía Đông Bắc Trung Quốc, sát biên giới với Triều Tiên, nơi được xem là cửa ngõ thương mại giữa Trung Quốc với quốc gia bị cô lập này. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết Ngân hàng Đan Đông đã “rửa” hàng triệu USD từ các giao dịch của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. 

Mỹ cũng áp đặt trừng phạt với Tập đoàn Vận tải Đường thủy Đại Liên và 2 cá nhân người Trung Quốc bị cáo buộc thông đồng với những hành vi phạm pháp của Triều Tiên. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Tập đoàn Vận tải Đường thủy Đại Liên mỗi năm vận chuyển khoảng 700.000 tấn hàng hóa, gồm than đá và thép giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt, từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Ngân hàng Đan Đông nằm ở vị trí trọng yếu trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: “Đòn trừng phạt là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới giới lãnh đạo Trung Quốc, nói rõ rằng chính quyền Donald Trump sẽ trừng phạt mọi hành vi vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên mà Trung Quốc dám thực hiện”. 

Mỹ ra đòn trừng phạt Trung Quốc ảnh 2Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc vừa bị Mỹ trừng phạt

Bán vũ khí cho Đài Loan

Cũng trong ngày 29-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Washington dự định bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD. Đây là một đề xuất mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tới Quốc hội cùng ngày. Các hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD là thỏa thuận quân sự đầu tiên mà chính quyền Donald Trump ký với phía Đài Loan.

Giới chức Mỹ cho biết thỏa thuận này gồm 7 thương vụ cung cấp cho Đài Loan các hệ thống cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ, ngư lôi và các linh kiện của tên lửa SM-2. Chính phủ Mỹ khẳng định việc thông qua thỏa thuận không vi phạm Đạo luật Quan hệ Đài Loan và thực tế là Mỹ có quyền cũng như nghĩa vụ bán vũ khí cho Đài Loan để phục vụ mục đích phòng thủ. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ quyết định nói trên cho thấy Mỹ ủng hộ “Đài Loan duy trì một chính sách tự vệ hiệu quả” và “quan điểm về chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ không có gì thay đổi”. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực nếu được Quốc hội thông qua và giới lập pháp Mỹ về cơ bản đã rất ủng hộ các thương vụ kiểu này.

Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hạ viện Ed Royce thậm chí còn cho rằng Washington đã quá chậm chạp trong việc xúc tiến các thỏa thuận tương tự. Thương vụ bán vũ khí gần đây nhất giữa Mỹ và Đài Loan là từ tháng 12-2015, gồm 2 tàu khu trục không có vũ khí, tên lửa chống tăng, tàu đổ bộ và tên lửa đất đối không Stinger.

Bắc Kinh nổi giận

Hai quyết định trên của Mỹ đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Ngày 30-6, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vì quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Ngân hàng Đan Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng những hành động sai trái trong vấn đề này nhằm tránh mọi ảnh hưởng tới các vấn đề hợp tác khác”.

Về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, ông Lục Khảng nhấn mạnh Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối tới Washington và hối thúc chính quyền Mỹ “duy trì cam kết chính thức đối với chính sách “Một Trung Quốc”. Người phát ngôn này khẳng định: “Đài Loan là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Trung Quốc và chúng tôi kiên quyết phản đối thương vụ bán vũ khí này của Mỹ cho Đài Loan”.

Những động thái trên của Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhiều người cho rằng Tổng thống Donald Trump đang mất dần kiên nhẫn với việc gây sức ép yêu cầu Trung Quốc phối hợp để đối phó với Triều Tiên. Nhận định này xuất phát từ dòng trạng thái mà ông Donald Trump đăng tải trên trang Twitter cá nhân gần đây, nhấn mạnh chính sách này “không hề hiệu quả”. Tuy nhiên, Washington vẫn khẳng định lập trường muốn làm việc cùng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, để đối phó với mối đe dọa hạt nhân.

Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin phát biểu tại Nhà Trắng rằng mặc dù quyết định trừng phạt Ngân hàng Đan Đông là nhằm vào các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc, song Mỹ vẫn muốn hợp tác với Chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến Triều Tiên. Washington không hề nhằm vào Trung Quốc bằng những hành động này”. 

Những nước cờ toan tính 

Tuy nhiên Trung Quốc khó có thể chấp nhận lời thanh minh này từ phía Mỹ, nhất là sau khi Washington bán vũ khí cho Đài Loan, vùng lãnh thổ tự trị mà Bắc Kinh xem là thuộc về mình song luôn có tư tưởng ly khai. Hơn thế nữa, ông Donald Trump từng có tiền lệ dùng xung đột với Đài Loan để gây sức ép với phía Trung Quốc.

“Washington dự định bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD. Thỏa thuận này gồm 7 thương vụ cung cấp cho Đài Loan các hệ thống cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ, ngư lôi và các linh kiện của tên lửa SM-2. Quyết định nói trên cho thấy Mỹ ủng hộ “Đài Loan duy trì một chính sách tự vệ hiệu quả” và “quan điểm về chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ không có gì thay đổi”.

Heather Nauert, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ

Sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã khiến Bắc Kinh bất ngờ và tức giận khi đột ngột phá vỡ chính sách mà Mỹ duy trì suốt nhiều thập kỷ qua bằng việc nhận cuộc điện thoại từ phía người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn.

Hai tháng sau, sau khi đã chính thức bước vào Nhà Trắng, ông lại thay đổi lập trường và khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington luôn tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” chỉ thừa nhận duy nhất một chính quyền tại Bắc Kinh, tạo cơ hội để ông tìm kiếm sự hợp tác từ phía nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.   

Tổng thống Donald Trump tìm cách xích lại gần Chủ tịch Tập Cận Bình với hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ triệt để các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm cắt đứt mọi nguồn thu của Triều Tiên và dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà nước này đang theo đuổi trước khi nó trở thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ.

Tuy nhiên, tuần trước ông Donald Trump đã nói rõ trên trang Twitter cá nhân rằng dù rất cảm kích các nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc gỡ nút thắt Triều Tiên, song mọi chuyện lại không diễn ra như trông đợi. Ông viết: “Ít nhất, tôi biết là Trung Quốc cũng đã cố gắng”.

Hai tuyên bố nói trên được đưa ra khi ông Donald Trump chuẩn bị đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Washington. Ông Moon  Jae-in là người đã tỏ rõ ý định về cách tiếp cận mềm mỏng theo hướng hòa giải với nước láng giềng phía Bắc, khác hẳn với người tiền nhiệm vốn ủng hộ chính sách cứng rắn của ông Donald Trump.

Hai nhà lãnh đạo này ngày 30-6 đã ra tuyên bố chung tổng kết những kết quả đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh. Trong tuyên bố gồm 6 điểm, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc và thúc đẩy quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn.