Mỹ - Nga - Trung Quốc: Cuộc chạy đua vũ trang có mất kiểm soát?

ANTD.VN - Trong khi để ngỏ khả năng sẵn sàng hợp tác với các nước trong cuộc chiến chống khủng bố, Nga khẳng định sẽ không để đất nước rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới như trong quá khứ.

Mỹ - Nga - Trung Quốc: Cuộc chạy đua vũ trang có mất kiểm soát? ảnh 1Mỹ chủ động rút khỏi Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) với lý do Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” có tầm bay trên 500km

Phát biểu trong một sự kiện tại Thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mátxcơva sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến các mối đe dọa từ Mỹ đối với an ninh của nước này. Theo ông Sergey Lavrov, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc tham vấn hoặc đàm phán nhằm tăng cường sự ổn định chiến lược trong các điều kiện mới. 

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử”, do cả Mỹ và Nga đều đã tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong Hiệp ước này. Điều gì sẽ xảy ra khi quy định không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500km tới 5.500km không còn?

Trước hết là Mỹ, nước chủ động rút khỏi INF. Với cái cớ Nga vi phạm Hiệp ước INF khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” mà NATO gọi là SSC-8 có tầm bay trên 500km, Mỹ có thể tái sản xuất các tên lửa tương tự. Nguy hiểm hơn, Washington có thể triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Âu ngay sát Nga để gây sức ép, như những gì Mỹ đã làm trong thập niên 1980 của thế kỷ trước.

Nước Nga đương nhiên sẽ không chịu “ngồi yên”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Giờ đây chúng tôi sở hữu các dòng vũ khí bội siêu thanh có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ nào”. Ông V.Putin yêu cầu quân đội chuẩn bị “những bước cụ thể” để kịp thời phản ứng trước các hành động của Washington. Giới quan sát cho rằng, các phương án mà Nga có thể trả đũa Mỹ là triển khai tên lửa trên lãnh thổ của một đồng minh gần Mỹ, triển khai các tên lửa có vận tốc nhanh hơn trên các tàu ngầm, hoặc sử dụng vũ khí siêu thanh mà Nga đang phát triển.

Tình hình sẽ càng thêm phức tạp khi cuộc đua lan cả vào vũ trụ. Có một thực tế là khi con người và các quốc gia càng có khả năng hoạt động trên vũ trụ, thì vũ trụ càng có nguy cơ bị quân sự hóa. Và trên thực tế, với những vệ tinh sát thủ, vũ khí laser gây mù, thiết bị phá sóng tinh vi, các cường quốc quân sự thế giới như Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến ngoài không gian đầy nguy hiểm.

Có điều cái giá phải trả cho cuộc đua đó sẽ rất đắt đỏ. Theo con số thống kê, năm 2018, dù được coi là tiết kiệm nhưng ngân sách Quốc phòng Nga cũng đã lên tới 66,3 tỷ USD. Mức chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ khủng khiếp hơn nhiều: 716 tỷ USD. Nghe báo cáo về con số đó, ngay Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải thốt lên rằng, 716 tỷ USD chi cho quân sự trong 2018 là điều “điên rồ”.

Với Trung Quốc, vài năm gần đây, quân đội nước này đã có bước chuyển biến rất lớn. Ông Andrew Erickson, Giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc thuộc trường Đại học Hải quân Mỹ ví von: “Hải quân Trung Quốc đang tiếp nhận tàu chiến với tốc độ nhanh đến mức chẳng khác nào như dầm bánh bao vào nước dùng”. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự đột phá đó của Trung Quốc là con số 174 tỷ USD chi phí quốc phòng trong năm 2018, lớn thứ hai trên thế giới.

Một khi cuộc chạy đua vũ trang tái hiện trở lại, chi phí quân sự của các nước liên quan sẽ tăng thêm nữa. Số đối thủ tham gia cuộc đua sẽ không chỉ Nga và Mỹ mà sẽ có thêm Trung Quốc. Đó là điều mà không ai muốn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói rằng, chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, ông sẽ phải cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin bắt đầu thảo luận về việc chấm dứt cái mà ông gọi là “một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không thể kiểm soát”.