Mỹ, NATO đưa hàng loạt quân, vũ khí hạng nặng tiến vào vùng Baltic

ANTĐ -Ngày 9-3, hơn 120 xe tăng, xe bọc thép cùng 3.000 lính Mỹ đã được triển khai đến các nước vùng Baltic, với mục đích ngăn chặn các mối đe dọa tiềm năng từ Nga. Rõ ràng, động thái này của Washington mang tính khiêu khích và chắc chắn sẽ khiến Moscow nổi giận. 


Xe tăng Mỹ rời cảng Riga, tiến vào Latvia

Cùng ngày, Bộ trưởng quốc phòng Latvia, Raymond Vejonis xác nhận, hơn 120 đơn vị thiết giáp bao gồm cả xa tăng, xe bọc thép đã được chuyển tới Latvia, với xe tăng M1A2 Abrams và xe bọc thép M2A3 Bradley.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Raymond Vejonis nhận định, mặc dù số lượng xe tăng được chuyển đến chưa nhiều, nhưng chúng tôi rất hoan nghênh nỗ lực của Mỹ để tăng cường quốc phòng tại các nước vùng Baltic. Sự hiện diện của các nước đồng minh (Mỹ và NATO) là sự xác nhận về tinh thần đoàn kết và an ninh trong khu vực”.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Latvia, Tướng John O'Conner, người giám sát hoạt động chuyển giao xe tăng tại cảng Riga cho biết, toàn bộ xe tăng và xe bọc thép đã rời khỏi tàu sân bay Liberty Promise vào ngày 9-3, hiện đang tiến vào Latvia. Ông nói: “Chúng tôi phải chiến đấu cho tự do, tự do phải được bảo vệ”.

Tướng John nhấn mạnh: “Việc triển khai vũ khí rầm rộ nói trên là để thể hiện sự kiên quyết trước Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga rằng, chúng tôi có thể hợp tác, phối hợp cùng nhau”. Trong khi đó, ông cũng đề cập rằng, họ sẽ ở lại cho đến khi nào ngăn chặn được "âm mưu xâm lược" của Nga.

Sau sự ly khai của Crimea sang Nga, Mỹ rất quan tâm đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại các nước khu vực Baltic và Ba Lan để giúp các nước “dễ bị tổn thương” chống lại "sự xâm lăng" của Nga. Hiện tại, có hơn 150 binh sĩ Mỹ tại Latvia.

Trước đó, ngày 6-3, lực lượng NATO đã tiến hành cuộc tập trận với quân đội của Latvia trong điều kiện mùa đông. Cuộc tập trận diễn ra tại căn cứ huấn luyện Adazi gồm các hoạt động đào tạo các vị trí địch tại chỗ, kêu gọi hỗ trợ hỏa lực gián tiếp.

Các cuộc tập trận tương tự cũng được thực hiện tại Ba Lan gồm các bài tập huấn luyện bắn đạn thật, tại Drawsko Pomorskie ở phía bắc của đất nước, với sự tham gia của đơn vị quân đội cơ giới 12 của Ba Lan.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan xác nhận, việc triển khai quân và các vũ khí tới các nước Baltic chỉ là “tạm thời”. NATO sẽ xem xét nếu các mối đe dọa từ Nga bị loại bỏ, Mỹ sẽ rút quân.

Tuy nhiên theo một quan chức quân đội Mỹ cho biết, tham vọng của Mỹ là mở rộng các hoạt động quân sự từ khu vực Baltic tới biển Đen. Bởi các nước Romania và Bulgaria đã tham gia tập trận cùng họ để tạo ra một cánh “nam”, trong khi Hungary, Cộng hòa Séc và Georgia cũng có thể đồng ý tham gia.

Phản ứng bởi các hoạt động này của Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Anatoly Antonov nhận định, các lực lượng “Đồng minh” đang bỏ qua phương pháp ngoại giao và NATO đang lợi dụng tình hình ở Ukraine để tiến gần tới biên giới của Moscow.

Thứ trưởng quốc phòng Nga khẳng định, cuộc tập trận được tiến hành tại các nước vùng Baltic, Ba Lan và biển Đen là một mối đe dọa đối với Nga. Ông nói: “Thay vì đoàn kết các lực lượng để chống lại cái ác, tồi tệ nhất là chủ nghĩa khủng bố thì các quốc gia phương Tây lại vẽ đường chia rẽ mới, cố gắng để chống lại Nga”.

Dẫn một ví dụ về cuộc tập trận quân sự của NATO vào ngày 24-2, diễn ra tại thị trấn Narva của Estonia chỉ cách 300 mét từ biên giới Nga, với khoảng 140 xe bọc thép và số lượng quân gấp 10 lần bao gồm cả những người lính Mỹ.

Với động thái này, Moscow xem đó là một nhát dao hướng vào Nga, nhưng Estonia lại cho rằng, họ đang bảo vệ quyền của mình, họ có thể di chuyển tới bất cứ đâu họ thích trên lãnh thổ của mình. Nó giống với lập luận khi Nga xây dựng quân đội dọc biên giới của mình.

Trước đó, vào tháng 12-2014, một đoàn xe bọc thép của Mỹ cũng đã tiến vào Latvia vào tháng Mười Hai, ở ga Ga Dalbe, cách biên giới Nga khoảng 300 km.

Đoàn tàu đã mang theo ít nhất 38 rơ moóc, trong đó có 8 xe Bradley Fighting, 9 xe bọc thép loại nhỏ M113, 4 xe chở xăng, các xe tải hạng nặng (HEMTTs) các phương tiện đa chức năng, một xe phục hồi M88 Hercules, một vài xe tải, một số thiết bị kỹ thuật và y tế, ít nhất 4 container và đạn dược.

NATO không chỉ đưa được xe tăng và xe bọc thép đến các nước vùng Baltic, họ cũng đang thúc đẩy Latvia, Lithuania và Estonia mua thêm vũ khí từ các đồng minh.

Mới đây, Estonia đã đàm phán mua lại hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, trị giá 55 triệu USD từ Hà Lan, Latvia chi hơn 60 triệu USD mua 123 xe chiến đấu của Anh, Lithuania mua hệ thống phòng không Grom từ Ba Lan với 38 triệu USD.